Đầu tư
Đề xuất hỗ trợ nhà đầu tư cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Bảo Như - 30/11/2022 17:09
Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về việc xử lý khó khăn tài chính tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1.
Một đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

“Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã hoàn thành Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đúng tiến độ và chất lượng, thì UBND tỉnh Lạng Sơn trong vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần thực hiện đầy đủ các cam kết”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh trong chuyến kiểm tra thực tế công trình hôm 29/11.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, những khó khăn về tình hình tài chính hiện nay tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 có nguyên nhân không nhỏ từ việc các khoản cam kết hỗ trợ từ phía Nhà nước đã không được thực hiện làm lệch phương án tài chính, gây quan ngại cho các nhà tài trợ vốn.

“Cá nhân tôi phản đối việc một số nhà đầu tư BOT cố tình trục lợi chính sách, nhưng đối với dự án được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đem lại hiệu quả tích cực như tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khi phương án tài chính gặp khó khăn mà không do lỗi của nhà đầu tư”, ông Vân đánh giá.

Trước đó, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI) đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép dừng hợp đồng, bố trí ngân sách Nhà nước mua lại 9 dự án BOT đang vướng mắc, trong đó có Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường Quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần, hợp phần Quốc lộ 1 dài 110 km thu phí từ tháng 6/2018, vàhợp phần cao tốc dài 64km thu phí từ tháng 2/2020.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc, Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, tính đến thời điểm này, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường Quốc lộ 1 là công trình BOT đường bộ duy nhất không có vốn ngân sách hỗ trợ, sử dụng 100% vốn do nhà đầu tư tự huy động để thực hiện.

Trong quá trình triển khai, các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã tập trung nguồn lực, huy động máy móc, thiết bị, con người, vật tư vật liệu hoàn thành Dự án vượt tiến độ 3 tháng, đưa Dự án vào vận hành khai thác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhà đầu tư, trong quá trình vận hành thu phí đến nay, doanh thu của Dự án chỉ đạt 1.208 tỷ đồng tương ứng 31,5% so với phương án tài chính ban đầu, không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.

Một khó khăn lớn nữa đối với Dự án là hiện UBND tỉnh Lạng Sơn chưa thể xác định thời điểm thi công, hoàn thành đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối đến TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị dẫn đến lưu lượng phương tiện giao thông tăng trưởng thấp hơn dự báo.

“Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dù thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhưng lại không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ ngân sách Nhà nước, thiệt thòi hơn rất nhiều so với các dự án thành phần khác thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017  -2020 vốn đang nhận 50% vốn ngân sách Nhà nước. Do các cam kết từ phía UBND tỉnh Lạng Sơn không được thực hiện đã khiến nhà tài trợ vốn dừng giải ngân đột ngột khiến doanh nghiệp dự án đang còn nợ các nhà thầu hơn 500 tỷ đồng, phát sinh nguy cơ khiếu kiện”, ông Vĩnh cho biết.

Hiện Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đa có văn bản đề nghị các bên tham gia dự án đồng hành và có giải pháp để hỗ trợ bù đắp doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính ban đầu của Dự án. Trong giai đoạn trước mặt, UBND tỉnh Lạng Sơn cần làm việc với Ngân hàng Vietinbank (ngân hàng tài trợ vốn) để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tại Dự án, tránh nhảy nhóm nợ, phát sinh nợ xấu gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác