Hiệp hội các Nhà sản xuất xe đạp châu Âu đã bày tỏ quan ngại về một doanh nghiệp của Trung Quốc có dấu hiệu gian lận xuất xứ của Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM của EU áp dụng đối với sản phẩm Trung Quốc. |
Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa cập nhật có tên các mặt hàng: tủ gỗ, gỗ dán, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình gas...
Danh sách được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.
Trong đó, sản phẩm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Mỹ cần hết sức cẩn trọng do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019.
1. Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Mỹ
2. Tủ gỗ (Wooden cabinets and vanities) xuất khẩu sang Mỹ
3. Ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered) xuất khẩu sang Mỹ
4. Đá nhân tạo (Quartz surface products) xuất khẩu sang Mỹ
5. Gạch men (ceramic tile) xuất khẩu sang Mỹ
6. Xe đạp điện (Electric bicycles) xuất khẩu sang Mỹ, EU
7. Ống đồng (Seamless refined copper pipe and tube) xuất khẩu sang Mỹ
8. Vỏ bình ga (Steel propane cylinders) xuất khẩu sang Mỹ
9.Ghim đóng thùng (Carton-closing staples) xuất khẩu sang Mỹ
10. Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục (Wood mouldings, millwork products) xuất khẩu sang Mỹ.
Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 407,3 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng đã giảm, chỉ còn tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm tới 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Mỹ đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11/2017.
Tháng 10 năm 2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ thông báo chính thức điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại đối với một số công ty Mỹ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam.
Tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế PVTM đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Tháng 10 năm 2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã thông báo khởi xướng điều tra về tình hình nhập khẩu và sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác và buôn bán bất hợp pháp tại Việt Nam. Các vụ việc điều tra của Mỹ đều chưa có kết luận cuối cùng.
Các mặt hàng Ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered), Tủ gỗ (Wooden cabinets and vanities), và gạch men (ceramic tile) xuất khẩu sang Mỹ cũng có nguy cơ dính kiện lớn khi xuất khẩu đi Mỹ.
Cụ thể, kim nhạch xuất khẩu mặt hàng gạch men của Việt Nam sang Mỹ đang có xu hướng tăng nhanh, từ 269.000 USD năm 2018 lên tới 2,8 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, kim ngạch của Việt Nam đã đạt 20,6 triệu USD, dù tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ mới chỉ chiếm 1,1%.
Nhưng Mỹ đã chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4/2020.
Do đó, dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc giảm mạnh vì bị áp thuế CBPG và CTC.
Vì vậy, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ và tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này.
Mặt hàng xe đạp điện cũng gặp nhiều rủi ro tại cả Mỹ và EU khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng từ 74 triệu Euro năm 2018 lên 87,5 triệu Euro năm 2019 và giảm nhẹ xuống còn 83,6 triệu Euro năm 2020.
Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 30,4 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội các Nhà sản xuất xe đạp châu Âu đã bày tỏ quan ngại về một doanh nghiệp của Trung Quốc có dấu hiệu gian lận xuất xứ của Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của EU áp dụng đối với sản phẩm Trung Quốc.
Thời gian qua, qua tăng cường công tác kiểm tra giám sát, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ngăn chặn một số trường hợp doanh nghiệp kê khai không chính xác về xuất xứ đối với sản phẩm xe đạp điện nên cần tiếp tục đưa vào danh sách cảnh báo.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra hơn 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, với kim ngạch bị ảnh hưởng hơn 12 tỷ USD.