1. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai động thổ dự án 400 triệu USD tại Myanmar
Tháng 6/2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã khởi công dự án “khủng” - Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center - tại cố đô Yangon (Myanmar). Ban đầu, dự án này có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD nhưng sau đó đã được điều chỉnh tăng lên 440 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng). Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2016.
| ||
VietJetAir khiến giới kinh doanh kinh ngạc bằng thỏa thuận mua 92 máy bay với Airbus. Ảnh: Đ.T |
Tính tới thời điểm này, đây là dự án có quy mô lớn nhất và hoành tráng nhất của Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực bất động sản. Hoàng Anh Gia Lai là nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất vào Myanmar và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực khách sạn và du lịch ở đất nước này.
2. TH True Milk khánh thành nhà máy quy mô lớn nhất Đông Nam Á
Ngày 9/7/2013, tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng CHDCND Lào Thongsing Thammavong chính thức cắt băng khánh thành Nhà máy sữa tươi TH quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy nằm trong Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn của Tập đoàn TH.
Đây là dự án đầu tư tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD. Sau 2 năm xây dựng, Nhà máy chính thức đưa vào vận hành cụm dây chuyền sản xuất giai đoạn I với công suất 200.000 tấn/năm.
3. Giấy Sài Gòn “hoán ngôi” cổ đông ngoại
Kể từ tháng 8/2013, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP) đã về tay cổ đông nội, sau khi ông Mai Hữu Tín đã thay thế hoàn toàn vị trí của Tập đoàn Giấy Daio Paper Corporation (Nhật Bản) tại công ty này, với cổ phần sở hữu 42,3% (tương đương 416 tỷ đồng vốn điều lệ). Ông Cao Tiến Vị cùng hai quỹ đầu tư là Bridgehead, BVIM và các cổ đông còn lại sở hữu 57,7% vốn điều lệ.
So với những thương vụ M&A tại Việt Nam, đây được xem là thương vụ “ngược dòng” hiếm hoi đầu tiên của ngành giấy ở thời hậu sáp nhập, khi có nhà đầu tư ngoại nhường vị trí cho cổ đông nội sau thời gian hợp tác không biến cố.
4. VietjetAir mua 92 máy bay
Ngày 25/9/2013, Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault đã cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến lễ ký thỏa thuận mua 92 máy bay và thuê thêm 8 chiếc Airbus 320, với tổng trị giá tới 9,1 tỷ USD của VietJetAir với Airbus.
VietJetAir hiện đang khai thác 8 máy bay Airbus đến 14 điểm tại Việt Nam và bay quốc tế Thái Lan. Động thái trên của VietJetAir khiến giới kinh doanh kinh ngạc không chỉ về độ “khủng” của hợp đồng này, mà còn nghi ngại về tốc độ phát triển quá nhanh của Hãng, bởi với năng lực nội địa, việc vận hành đội bay lên đến hàng trăm chiếc không hề là bài toán đơn giản.
5. PhinDeli hình thành
Tháng 9/2013, Thị trưởng Phạm Đình Nguyên đã đổi tên thị trấn Buford (Bang Wyoming - Mỹ) thành PhinDeli để phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam tại Mỹ. Trước đó, tháng 4/2012, ông Nguyên đã tạo nên sóng gió với giới truyền thông Việt Nam và thế giới khi mua thị trấn Buford với giá 900.000 USD. Ông Nguyên cũng đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Cà phê PhinDeli.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyên lý giải quyết định này với 3 lý do. Một là, chỉ có cà phê mới có thế mạnh gắn kết với nét văn hóa Việt tại Mỹ, khi Mỹ được xem là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Hai là ở Mỹ, hiện có hơn 3 triệu người gốc Việt đang sinh sống, đây là cơ hội lớn để phát triển kinh doanh. Ba là, với 2 nhóm sản phẩm siêu sạch và thượng hạng, nhắm đến nhiều gu cũng như phân khúc giá khác nhau, PhinDeli đang phát triển mạnh tại Việt Nam.
6. Động thổ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn
Ngày 23/10/2013, tại Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được khởi công. Đây là dự án lọc hóa dầu thứ hai của Việt Nam sau Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhưng là dự án quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, với tổng mức đầu tư 9 tỷ USD.
Chủ đầu tư của Dự án gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI/KPE), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI). Dự kiến, Dự án sẽ đi vào vận hành thương mại giữa năm 2017. Cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án sẽ đảm bảo cung cấp 2/3 nhu cầu sản phẩm hóa dầu trong nước.
7. Vingroup xứng danh chủ đầu tư tốt nhất
Ngày 22/11, Tập đoàn Vingroup giành chiến thắng kép tại Lễ trao giải “Bất động sản khu vực Đông Nam Á năm 2012” tại Singapore. Với 2 giải thưởng quan trọng là “Chủ đầu tư tốt nhất - Best Developer” và “Dự án biệt thự tốt nhất - Best Villa Development”, Vingroup đã khẳng định được vị thế tiên phong trong thị trường bất động sản cao cấp tại Việt Nam và khu vực.
Sự kiện trên khép lại một năm thành công của Vingroup với những kế hoạch lớn. Tháng 6/2013, Vingroup chuyển nhượng Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn Vincom Center A tại TP.HCM, với tổng giá trị giao dịch là 470 triệu USD. Cũng trong năm 2013, Vingroup cũng khai trương 2 “siêu đô thị” Royal City và Times City tại Hà Nội.
8. Masan mở rộng tầm với
Ngày 29/11/2013, Tập đoàn Massan tuyên bố thành lập Masan Consumer Holdings (MCH). MCH được coi là bàn đạp để mở rộng tầm với của Masan trong các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng. MCH bao gồm 2 “trụ” là Masan Consumer và Masan Consumer Ventures (MCV). Masan Consumer tập trung vào các ngành cốt lõi là thực phẩm và đồ uống.
Kèm theo sự chuyển đổi chiến lược này là việc tái phân bổ và mở rộng về nhân sự cao cấp. Theo đó, ông Madhur Maini sẽ chuyển sang phụ trách MCH với vai trò Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Đăng Quang sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc của Masan Group cùng với 3 vị Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Thiều Nam (cũ) và hai ông Michael Hưng Nguyễn và Trương Công Thắng (mới). HĐQT của Masan Group cũng có thêm một nhân tố mới là ông Dominic Price, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng JP Morgan tại khu vực Đông Dương và Myanmar.
9. Vinamilk chi 7 triệu USD thâu tóm Driftwood Dairy
Ngày 9/12/2013, Vinamilk công bố đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài về việc chi 7 triệu USD mua lại 70% cổ phần của Công ty Driftwood Dairy tại Bang California (Hoa Kỳ).
Trước đó, ngày 10/9, Nhà máy Sữa Việt Nam tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng đã được Vinamilk đưa vào vận hành. Nằm trên diện tích 20 ha tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương, Nhà máy có công suất hơn 400 triệu lít sữa/năm giai đoạn I và tăng lên 800 triệu lít/năm trong giai đoạn II đang được ghi nhận là một trong những nhà máy chuyên sản xuất sữa nước hiện đại bậc nhất thế giới.
10. Sumsung đạt kỷ lục xuất khẩu
Tổng cục Thống kê vừa công bố, 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại di động và linh kiện lên tới 20,2 tỷ USD, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Trong số này, đóng góp lớn nhất thuộc về Nhà máy Sản xuất điện thoại di động của Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh.
SEV cho biết, nhiều khả năng, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của SEV sẽ đạt khoảng 23,5 tỷ USD, vượt xa kế hoạch 16,5 tỷ USD đưa ra từ cuối năm ngoái. Đây chỉ là mức đóng góp của riêng SEV Bắc Ninh. Theo kế hoạch, quý I/2014, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đi vào hoạt động, thì kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Baodautu.vn