1001 chiêu đòi tài sản đảm bảo
Cuối tháng 6-2016, tại đường Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra vụ lộn xộn khi rất nhiều nhân viên bảo vệ của ngân hàng T đạp cửa xông vào nhà định chiếm giữ tài sản của chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở địa chỉ trên. Nguyên do được xác định là chị Nguyệt có hợp đồng vay ngân hàng T trị giá 5 tỷ đồng và thời hạn trả nợ trong vòng 60 tháng.
Tuy nhiên, 2 tháng trước khi xảy ra sự việc, chị Nguyệt đã không thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi hàng tháng, nên đã bị ngân hàng cho đội quân mặc đồng phục đến yêu cầu dọn ra khỏi nhà, khóa cửa và giao chìa khóa lại cho ngân hàng. Chị Nguyệt không đồng ý và đã trình báo cơ quan công an. Khi thấy bóng dáng lực lượng công an, tổ bảo vệ của ngân hàng T mới bỏ đi.
Thiếu tá Đặng Mạnh Cường, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Nam Từ Liêm cho biết, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn quận xảy ra những vụ việc lộn xộn liên quan đến việc ngân hàng T đi thu hồi tài sản đảm bảo (TSĐB). Trước đó, khoảng tháng 11-2015, dù đang trong quá trình giải quyết TSĐB, nhân viên ngân hàng T đã đến phá cửa và chiếm giữ một ngôi nhà khác trên địa bàn phường Mễ Trì.
Nguyên nhân của sự việc được xác định năm 2010, chị Nguyễn Thị Tại đã cho Đỗ Minh Nam, chủ quán karaoke nơi chị làm nhân viên tạp vụ mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà mình để cầm cố vay tiền ngân hàng T. Nam nói với chị Tại đây là một hình thức góp vốn, chị sẽ được chia tiền lời và Nam chỉ vay số tiền 300 triệu.
Do thiếu cảnh giác, chị Tại đã đồng ý nhưng Nam đã tự ý nâng số tiền vay ngân hàng lên 3 tỷ đồng. Chị Tại không biết điều này nên đã ký vào tất cả các giấy tờ mà Nam yêu cầu. Sau 5 năm, do Nam không trả cả gốc lẫn lãi, ngân hàng T đã ra quyết định thu giữ TSĐB. Chị Tại không đồng ý, đã yêu cầu Nam cùng ngân hàng T làm rõ sự việc. Nhưng chưa đến thời hạn thì đã xảy ra sự việc chiếm giữ nhà của chị Tại như trên.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo lãnh đạo Phòng An ninh tài chính - tiền tệ - đầu tư, CATP Hà Nội, do cạnh tranh và áp lực tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã khoán chỉ tiêu đến từng nhân viên, khiến nhân viên phải hoàn thành chỉ tiêu bằng mọi cách, vô hình trung tạo ra sai sót trong quy trình thẩm định TSĐB để các đối tượng bên ngoài tìm cách lợi dụng lừa đảo.
Từ năm 2014, CATP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch 72 về thực hiện trách nhiệm của lực lượng công an trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và quán triệt, triển khai đến tất cả công an các đơn vị, quận huyện thị xã. Sau khi kế hoạch 72 được thực hiện, lực lượng công an đã cùng ngành ngân hàng, đảm bảo an ninh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ.
Thiếu tá Đặng Mạnh Cường cho rằng, để không còn tình trạng lộn xộn trong xử lý TSĐB, mỗi ngân hàng cần có sự phối hợp với chính quyền và lực lượng công an từ cấp thành phố đến quận, huyện, tránh tình trạng như hiện nay, khi các chi nhánh ngân hàng tổ chức đi thu hồi TSĐB chỉ gửi công văn thông báo đến các cấp phường, xã nên không có sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời.
“Trong những vụ việc này, lực lượng công an sẽ hướng dẫn cả hai bên khởi kiện ra tòa dân sự và thực hiện theo đúng phán quyết của tòa án. Nếu ngân hàng vẫn áp dụng hình thức đòi nợ theo kiểu côn đồ, cho nhân viên thu nợ đến đập phá, chiếm giữ nhà cửa của người dân, lực lượng công an buộc phải làm theo đúng quy định của pháp luật, có thể xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng” - chỉ huy Đội CSHS - CAQ Nam Từ Liêm khẳng định.