Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam đạt 55% khối lượng sau 10 tháng thi công
Ngày 6/2, tại chuyến kiểm tra, thị sát công trình nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh – Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu Dự án phải hoàn thành trước tháng 10/2020, chào mừng Đại hội Đảng bộ 2 tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải dẫn đầu đã đến thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội.
Phối cảnh Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam. |
Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối thị xã Cửa Lò, Nghệ An và huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 450 tỷ đồng, ngân sách địa phương 500 tỷ đồng (Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 250 tỷ đồng). Tổng chiều dài cầu và tuyến là 5,271 km.
Ông Hoàng Xuân Thái, Trưởng Phòng Điều hành, Ban Quản lý dự án 6 đã báo cáo đoàn công tác tiến độ thi công dự án. Theo ông Thái, mặt bằng phía Nghệ An đã bàn giao khoảng 95% cho nhà thầu, còn vướng đất và tài sản trên đất của 2 hộ dân, 1 cây xăng và một số đường điện cao thế, đường nước, cáp viễn thông. Trong khi đó, phía Hà Tĩnh chỉ còn vướng 30m nằm giữa tuyến chưa giải tỏa.
Dự án được khởi công từ 15/2/2019, tiến độ thi công 18 tháng. Giá trị khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 435 tỷ/ 798 tỷ đồng (khoảng 55% tổng giá trị xây dựng). Tiến độ thi công đang đáp ứng tiến độ chung yêu cầu của dự án. Trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 450 tỷ đồng và đã bố trí đủ. Còn phần ngân sách địa phương, tỉnh Nghệ An đã bố trí được hơn 74 tỷ đồng /250 tỷ đồng và đến tháng 6/2020 sẽ bố trí được tổng cộng khoảng 200 tỷ đồng. Còn Hà Tĩnh đã bố trí hơn 47 tỷ đồng/250 tỷ đồng.
Tại chuyến kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, khối lượng công việc sắp tới còn nhiều, do đó Ban Quản lý dự án 6 cần tiếp tục chỉ đạo sâu sát, xây dựng kế hoạch, và yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị để thi công. Những hợp phần có thể thi công được 3 ca thì triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm bố trí kịp thời nguồn vốn thuộc phần ngân sách địa phương để thực hiện dự án; đồng thời đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án.
Theo Ban quản lý dự án 6, khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn, 2 địa phương vẫn chưa bố trí đủ. Đơn vị mong muốn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sớm bố trí đủ nguồn vốn xây lắp còn thiếu trong kế hoạch năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
“Những khó khăn, vướng mắc phải báo cáo xử lý ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh trước lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 và các nhà thầu, đồng thời chỉ rõ mốc thời gian cuối cùng phải hoàn thành toàn bộ dự án là trước đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020.
“Không thể viện lý do dịch cúm Corona hay thiếu vốn mà chậm tiến độ. Cũng không có chuyện thiếu vốn, vì trước khi triển khai dự án, Hội đồng nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã ra nghị quyết ưu tiên vốn, vấn đề là kiểm soát tiến độ thi công, hoàn thành sớm và chất lượng để phục vụ bà con đi lại”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào quy hoạch
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định bổ sung tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Về phạm vi, điểm đầu nút giao IC.14 của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; điểm cuối tại vị trí giao với quốc lộ 32 tại Km209 + 500 (quốc lộ 32), thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Ảnh minh họa: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai |
Về hướng tuyến, từ điểm đầu tuyến (nút giao IC.14) tuyến đi cơ bản bám theo tuyến đường tỉnh 175 (ĐT.175) qua các xã An Thịnh, Đại Phát, Mỏ Vàng, Đại Sơn của huyện Văn Yên và các xã An Lương, Sơn Lương, Suối Quyền, thị trấn Liên Sơn của huyện Văn Chấn đến cuối tuyến tại vị trí giao với quốc lộ 32 tại Km209+500. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 52 km.
Đầu tư nâng cấp tuyến đường đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV miền núi, 2 làn xe (theo TCVN 4054-2005).
Nguồn vốn đầu tư sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn đối ứng.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái trong quá trình triển khai dự án đầu tư, đảm bảo tiết kiệm tối đa kinh phí đầu tư xây dựng.
UBND tỉnh Yên Bái có trách nhiệm thông báo cho các địa phương liên quan biết, có kế hoạch quản lý, dành quỹ đất để đầu tư xây dựng.
Hà Nội thu hút hơn 141 triệu USD đầu tư nước ngoài tháng đầu năm 2020
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa thông tin, thu hút đầu tư nước ngoài tháng 1/2020 trên địa bàn thành phố đạt trên 141 triệu USD, trong đó cấp mới 68 dự án, vốn đăng ký 30,2 triệu USD.
Thông tin trên được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tại hội nghị giao ban UBND Thành phố tháng 1/2020 diễn ra hôm nay (5/2).
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thu hút đầu tư nước ngoài tháng 1/2020 trên địa bàn thành phố đạt trên 141 triệu USD. Trong đó, có 68 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký 30,2 triệu USD.
Hội nghị giao ban UBND TP. Hà Nội tháng 1/2020. Ảnh: Gia Huy |
Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đạt 281.228 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 1.393 doanh nghiệp (giảm 12% so với cùng kỳ).
Cũng trong tháng 1, các hoạt động thương mại được đánh giá phát triển tốt, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 256.000 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2019.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 1/2020 ước đạt 1.041 triệu USD, giảm 20,2% so tháng trước và giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm 31,5% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may giảm 28,9%; giày dép và sản phẩm từ da tăng 14,8%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 24,7%; máy móc thiết bị phụ tùng giảm 29,5%; điện thoại và linh kiện giảm 33,3%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2020 ước giảm 24,9% so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do tháng 1 năm nay trùng với Tết Nguyên đán. Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất giảm.
Khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 1/2020 đạt 2,38 triệu lượt khách, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 481.800 lượt, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước (khách du lịch quốc tế đến có lưu trú đạt 339.676 lượt khách, giảm 8,4% so với cùng kỳ); khách du lịch nội địa đạt 1,74 triệu lượt khách, giảm 2% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.693 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng 9 ngày Tết, khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội đạt 86.844 lượt khách, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khách du lịch Trung Quốc giảm 47% với 13.975 lượt khách.
BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: NHNN giao BIDV làm đầu mối phối hợp "bơm vốn" theo quy định
Tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã hoàn thành nhưng vẫn còn 30 km nữa mới kết nối đến thành phố Lạng Sơn, còn 43 km nữa mới kết nối đến cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Cử tri Lạng Sơn có kiến nghị, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao NHNN làm việc, có ý kiến với ngân hàng Vietinbank và các ngân hàng thương mại khác xem xét, thu xếp phần vốn tín dụng còn thiếu cho dự án là 1.400 tỷ đồng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Chính phủ phương án hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 3.160 tỷ đồng, trong đó tỉnh Lạng Sơn cam kết sử dụng một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ dự án (khoảng 1.000 tỷ đồng).
Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn còn thiếu 1.400 tỷ đồng vốn tín dụng. |
Liên quan tới kiến nghị này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa có văn bản trả lời.
Theo Thống đốc, Dự án cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn bao gồm 02 dự án thành phần: Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) và Tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Dự án có tổng mức đầu tư 20.931,8 tỷ đồng.
Trong đó, đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) có tổng mức đầu tư 12.188,6 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành vào 30/9/2019. Vietinbank đã tham gia tài trợ với tổng hạn mức 10.169 tỷ đồng, dư nợ đến 30/9/2019 là 7.694 tỷ đồng.
Đối với đoạn Chi Lăng - cửa khẩu Hữu Nghị, tổng mức đầu tư là 8.743,1 tỷ đồng, hiện đang chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn.
Hiện NHNN đã giao BIDV làm đầu mối, phối hợp Vietinbank và các ngân hàng thương mại sớm xem xét, thu xếp vốn tín dụng cho dự án theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng chủ động làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư để thống nhất mức hỗ trợ của ngân sách địa phương theo lộ trình đầu tư và vận hành khai thác Dự án, đảm bảo phương án tài chính khả thi.
Cuối tháng 11/2019, BIDV đã họp với nhà đầu tư về việc xem xét tài trợ cho dự án. Theo đó, hiện nay nhà đầu tư và UBND tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng phương án đầu tư dự án điều chỉnh. Trên cơ sở phương án đầu tư được phê duyệt, BIDV sẽ xem xét cụ thể việc cho vay và mời các ngân hàng khác đồng tài trợ khi dự án được phê duyệt.
“Thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực thu xếp vốn tài trợ cho dự án. Tuy nhiên, để các ngân hàng thương mại có thể xem xét quyết định cho vay, NHNN đề nghị UBND Lạng Sơn cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát để điều chỉnh lại tổng mức đầu tư của dự án, phương án tài chính và cơ cấu vốn tham gia dự án để đảm bảo tính khả thi, nguồn trả nợ vay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Chính phủ phương án hỗ trợ từ ngân sách trung ương”, văn bản trả lời cử tri của của Thống đốc đề nghị.
TP.HCM quyết hoàn thành 85% khối lượng dự án Metro số 1 năm 2020
Sáng 5/2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình tuyến metro số 1 ( Bến Thành - Suối Tiên). Quyết tâm hoàn thành 85% số lượng công trình năm 2020 và quý IV/2021 đưa dự án vào hoạt động.
Buổi phát động thi đua có sự góp mặt chứng kiến của Lãnh sự quán Nhật Bản, các tổng thầu, đơn vị thi công cùng hàng trăm công nhân đang thi công tại dự án.
Hinh dạng tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. |
Tuyến metro số 1 là tuyến Metro đầu tiên trong mạng lưới 8 tuyến metro của TP.HCM đã được quy hoạch và xây dựng.
Dự án có 4 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Thành phố, bao gồm 3 gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện.
Dự án đã được khởi công từ tháng 8/2012, đến cuối tháng 1/2020 khối lượng thi công toàn dự án đã đạt được 70% tổng khối lượng với 35 triệu giờ lao động an toàn.
“Kết quả đạt được là nhờ sự quyết tâm và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM đối với việc giải quyết các vướng mắc của dự án. Ngoài ra, Ban quản lý đường sắt còn nhận được sự hỗ trợ và phối hợp của nhà tài trợ, các sở ngành, quận huyện có liên quan trong quá trình thực hiện và đặc biệt là sự cống hiến to lớn của đội ngũ kỹ sư, công nhân đang thi công ngày đêm trên các công trường”, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM phát biểu.
Cũng theo ông Cường, trong thời gian qua, dự án cũng có nhiều khó khăn vướng mắc, một số hạng mục thi công còn chậm so với kế hoạch đề ra, sự phối hợp giữa chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu chưa đồng bộ. Do đó, để đạt được mục tiêu xây dựng và hoàn thành dự án metro số 1 vào cuối năm 2021, Ban quản lý Đường sắt đô thị cùng các nhà thầu phải tập trung xử lý giải quyết các vướng mắc về hợp đồng, giải ngân, phối hợp giữa các nhà thầu, các gói thầu, cải tiến quy trình, nỗ lực xây dựng dự án trong năm 2020.
Ngay trong buổi lễ phát động thi đua, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị cùng các đơn vị tư vấn nhà thầu chính thực hiện dự án đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ để thực hiện tổng tiến độ chung năm 2020 của các công trường, đồng lòng cam kết cùng nhau thực hiện thắng lợi kế hoạch thi công năm 2020.
“Mục tiêu năm 2020 sẽ là hoàn thành 85% khối lượng của dự án”, ông Cường nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, UBND TP.HCM sẽ phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sớm nhất để việc xây dựng dự án được tiếp tục và có kết quả tốt nhất.
“Vì sự phát triển của Thành phố, chúng ta cùng đồng lòng để hoàn thành kế hoạch dự án năm 2020 và hoàn thành đưa dự án vào hoạt động năm 2021”, ông Hoan nói.
Dự án metro số 1 có mục tiêu xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6 km; xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi trên cao dài 17,1 km và 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động...
Dự án đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, 2, 9 và Thủ Đức của TP.HCM và thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương.
Đà Nẵng: Cấp chứng nhận, chủ trương đầu tư 14 dự án FDI trong tháng đầu năm 2020
Trong tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng cấp được hàng chục dự án kinh tế, trong đó có 14 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với tổng vốn 1,686 triệu USD.
Ngày 5/2, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Đà Nẵng cho biết: Từ ngày 1/1 đến 22/1/2020, Sở đã cấp được 14 dự án đầu tư FDI với tổng vốn cấp mới 1,686 triệu USD. Các dự án đăng ký hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, công nghệ thông tin và đào tạo ngoại ngữ.
Hiện trạng ùn tắc giao thông tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. Ảnh từ Camera giao thông |
Cũng theo đơn vị này, hiện thành phố đang xem xét ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2020 làm cơ sở để những sở, ngành có liên quan thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, thành phố đang đẩy mạnh triển khai các thủ tục để kịp thời trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương nghiên cứu đầu tư cho một số dự án đầu tư tại Tọa đàm Mùa Xuân 2020.
Lũy kế đến tháng 12/2019 đạt 331 dự án với tổng vốn đầu tư là 104.707 tỷ đồng. Trong năm 2019 vừa qua, dù đang tháo gỡ nhiều vướng mắc nhưng thu hút đầu tư của Đà Nẵng có nhiều khởi sắc. Sở KH&ĐT Đà Nẵng thông tin: Từ ngày 1/1 đến ngày 15/12/2019, thu hút FDI đạt được 690,76 triệu USD. Trong đó, 132 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 438,042 triệu USD; 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 117,38 triệu USD; 210 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 135,334 triệu USD; cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 8.829 tỷ đồng.
So với năm 2017 và 2018, suất đầu tư của các dự án FDI năm 2019 tăng lên rất nhiều. Cụ thể, năm 2017, suất đầu tư bình quân gần 1,2 triệu USD/dự án. Năm 2018, suất đầu tư bình quân hơn 1,2 triệu USD/dự án. Năm 2019 suất đầu tư 3,3 triệu USD/dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2019 tăng hơn 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Bố trí 1.340 tỷ đồng làm đường ven sông Đồng Nai
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký ban hành quyết định phê duyệt dự toán dự án đầu tư đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu với tổng mức đầu tư 1.340 tỷ đồng.
Theo đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký ban hành Quyết định số 231/QĐ-UBND phê duyệt dự toán chuẩn bị dự án đường ven sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa, đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu.
Cầu Hoá An sẽ là điểm đầu của các Dự án đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu. |
Theo quyết định 231/QĐ-UBND, dự án đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu nằm trên địa bàn phường Bửu Long (thành phố Biên Hòa), là công trình giao thông trong đô thị, cấp II, nhóm B. Công trình đầu tư hoàn thiện tuyến đường có chiều dài khoảng 5,2km, điểm đầu dự án là tại mố A cầu Hóa An, điểm cuối dự án giáp ranh huyện Vĩnh Cửu. Mặt cắt ngang toàn tuyến đường là 34m (vỉa hè mỗi bên 5m, mặt đường 24m) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo tuyến. Công trình bao gồm các hạng mục: đầu tư hoàn thiện nền đường, mặt đường, hệ thống tín hiệu giao thông, hệ thống thoát nước, vỉa hè lát gạch, cây xanh, xây dựng cầu Rạch Lung, đầu tư hệ thống chiếu sáng và trạm biến áp cấp nguồn chiếu sáng. Có khoảng 260 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, được thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Dự án do UBND thành phố Biên Hòa làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án tối đa là 5 năm từ khi bố trí thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư dự án là 1.340 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng công trình là hơn 384 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng hơn 712 tỷ đồng, chi phí dự phòng là khoảng hơn 204 tỷ đồng. Riêng kinh phí chuẩn bị dự án là hơn 3 tỷ đồng...
Dự án đường ven sông Đồng Nai được Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 quyết nghị chủ trương đầu tư tại Kỳ họp bất thường năm 2019 diễn ra ngày 29/10/2019. Dự án nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phường Bửu Long (thành phố Biên Hoà) và các xã Bình Hòa, Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ giao thông nội ô thành phố Biên Hòa, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch giao thông đô thị trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai.
TP.HCM sẽ hoàn thành 29 dự án, khởi công 27 dự án hạ tầng giao thông trong năm 2020
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết năm 2020 sẽ khởi công xây dựng 27 dự án giao thông mới, bên cạnh đó cũng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án được xây dựng từ năm 2018 tới nay để kéo giảm tình trạng kẹt xe đang ngày càng nghiêm trọng của Thành phố.
Theo danh sách của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thì các dự án trọng điểm nhất trong số 27 dự án được triển khai có dự án cầu Mỹ Thuỷ 3 thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng sẽ giúp giải quyết ùn tắc cho khu vực ra vào cảng Cát Lái, quận 2.
Dự án hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh được công bố đầu tư năm 2019 và sẽ được xây dựng trong năm 2020. |
Dự án hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh được công bố đầu tư năm 2019 và sẽ được xây dựng trong năm 2020.
Bên cạnh đó là các dự án hầm chui HC1 và HC2 thuộc dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ với tổng vốn hơn 830 tỷ đồng tại quận 7; Xây mới cầu Hang Ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng; và hơn 380 tỷ đồng mở rộng đường Dương Quảng Hàm giúp giảm kẹt xe khu vực quận Gò Vấp.
Trong năm 2020, Thành phố khởi công xây hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư 603 tỷ đồng; làm đường Lê Văn Quới nối dài (đoạn từ Mã Lò ra Quốc lộ 1A, quận Bình Tân) với số tiền hơn 850 tỷ đồng; cầu vượt số 3 và cầu bộ hành cùng đường chui nhánh phải (thuộc dự án cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới ở quận 9) với kinh phí gần 440 tỷ đồng...
TP.HCM cũng nâng cấp mở rộng hàng loạt cầu, đường nhằm tăng diện tích giúp phương tiện lưu thông thông thoáng hơn. Cụ thể, công trình cải tạo cầu Phạm Văn Chí (quận 6), cầu kênh Tẻ (nối quận 4 với quận 7), cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Tri Phương (nối quận 5 với quận 8), cầu Tân Kỳ – Tân Quý (nối quận Tân Phú với quận Bình Tân)…
Các dự án hạ tang giao thông được xây dựng nhằm giảm tải áp lực giao thông, kéo giảm tình trạng kẹt xe tại nhiều giao điểm trên địa bàn.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, Thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thành 29 dự án trong năm 2020. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục thi công 70 dự án và triển khai các thủ tục và trình phê duyệt chủ trương đầu tư công 78 dự án; giải ngân đạt hơn 95% vốn được giao trong năm…
Một điểm nhấn về giao thông nữa mà TP.HCM đặt ra trong năm 2020 đó là tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào 210 dự án gồm các lĩnh vực: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; chỉnh trang đô thị; giáo dục; y tế; văn hóa – thể thao; du lịch – giải trí với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỷ đồng, tương đương 53.804 triệu USD.
Trong đó có nhiều dự án quan trọng như xây dựng tuyến đường trên cao số 1 (từ nút giao cộng hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyên - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long – Phan Xích Long (nối dài) - giao với đường Điện Biên Phủ và đường Ngô Tất Tố - Kết thúc trước cầu Phú An) trên địa bàn các quận: quận 1, quận 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Quy mô xây dựng dài 9,5 km, rộng 17,5 m. Tổng vốn đầu tư 15.460 tỷ VNĐ/ 703 triệu USD.
Xây dựng tuyến đường trên cao số 3 (từ tuyến số 2 tại Tô Hiến Thành - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - trục Bắc Nam - Nguyễn Văn Linh) tại quận 5, quận 7, quận 10. Quy mô xây dựng dài 8,1 km, rộng 17,5m. Tổng vốn đầu tư 14.756 tỷ VNĐ/671 triệu USD.
Xây dựng tuyến đường trên cao số 2 (giao với tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm 656 CMT8 - Bắc Hải - hẻm số 2 Thiên Phước - hẻm số 654 Âu Cơ - Dọc theo công viên Đầm Sen - Rạch Bàu Trâu - Đường Chiến Lược - Hương lộ 2, kết thúc tại điểm giao với Quốc lộ 1) tại quận 10, quận 11, huyện Bình Chánh. Quy mô xây dựng: dài 11,8 km, rộng 17,5 m với tổng vốn đầu tư 21.490 tỷ VNĐ/ 977 triệu USD.
Xây dựng tuyến đường trên cao số 4 (từ QL 1 giao với tuyến số 5) - Vườn Lài - Vượt sông Vàm Thuật tại vị trí Rạch Lăng và đường sắt Bắc Nam (tại khu vực Cầu Đen) - đường Phan Chu Trinh quy hoạch kéo dài qua khu vực chung cư Mỹ Phước rồi nối vào đường Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1) tại quận 3, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp. Quy mô xây dựng dài 7,3 km, rộng 17,5m với tổng vốn đầu tư 20.300 tỷ VNĐ/ 923 triệu USD.
Xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (đi trùng với đường vành đai 2, Quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Lạc, trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân. Quy mô xây dựng dài 34km, rộng 18,5m với tổng vốn đầu tư 97.651 tỷ VNĐ/ 4.439 triệu USD.
Đường nối từ cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai Đông đến nút giao thông Bình Thái tại quận 9, quận Thủ Đức, với chiều dài tuyến 3,82 km; mặt cắt ngang giai đoạn 1: 67m. Tổng vốn đầu tư 5.732 tỷ VNĐ/ 261 triệu USD.