Đầu tư
14.678 tỷ đồng xây cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Anh Minh - 14/11/2014 12:58
Bộ Giao thông - Vận tải vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nhượng quyền dự án cao tốc: Những câu hỏi khi chưa có tiền lệ
VEC lên phương án bán quyền thu phí 5 cao tốc trị giá 5 tỷ USD
Đầu tư 10.000 tỷ đồng xây cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Hơn 32.000 tỷ xây cao tốc lên Đà Lạt

Cụ thể, tuyến cao tốc về Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư theo hình thức BOT sẽ có điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Km49+620 theo lý trình dự án; tuyến đi về phía Tây cách Quốc lộ 1 trung bình khoảng 2 - 5 km và kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 30, Km100 +750 theo lý trình dự án.

   
  Nhà đầu tư dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương  

Như vậy, tuyến chính của Dự án sẽ có chiều dài 51,1 km đi qua địa phận thị xã Cai Lậy, các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước tỉnh Tiền Giang với diện tích đất sử dụng khoảng 458 ha.

Trong giai đoạn I, Dự án thực hiện đầu tư với quy mô gồm 2 làn xe thiết kế với vận tốc 80 km/h và 2 làn xe phụ thiết kế với vận tốc 40 km/h. Các tuyến đường nối với Quốc lộ 1 dài khoảng 4,5 km được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Hệ thống đường gom dài 41 km đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, Dự án sẽ có 4 nút giao khác mức liên thông; 5 nút giao trực thông, 38 cầu và hệ thống công trình kỹ thuật đồng bộ. Tổng mức đầu tư giai đoạn I Dự án là 14.678,3 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 6.751 tỷ đồng; chi phí bồi thường GPMB, TĐC 2.550 tỷ đồng; dự phòng 2.639 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian thi công 2.061 tỷ đồng...

Dự kiến công trình khởi công trong khoảng thời gian từ tháng 12/2014 đến quý I/2015; hoàn thành vào năm 2018.

Liên quan tới phương án tài chính Dự án, Bộ GTVT cho biết là sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký hợp đồng Dự án với những yếu tố đầu vào quan trọng sau: hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; công tác bảo trì và quản lý khai thác sẽ thực hiện trên toàn bộ đoạn tuyến thuộc Dự án và đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương tương ứng với thời gian thu phí hoàn vốn dự án; mức thu phí tại thời điểm bắt đầu đưa công trình vào khai thác đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 1.200 đồng/xe tiêu chuẩn/km, dự kiến 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng khoảng 18%.

Thời gian thu phí hoàn vốn được tính từ khi công trình hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào khai thác, dự kiến từ ngày 1/1/2019, trong đó đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 11 năm và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 20 năm.

Dự án sẽ xây dựng 1 trạm thu phí trên tuyến chính và 2 trạm trên tuyến nối Cai Lậy và Cái Bè để thu phí trên nguyên tắc tổ chức thu phí kín, kết nối với hệ thống thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương để phân chia doanh thu thu phí.

Bộ GTVT sẽ giữ vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng Dự án; Dự án thành phần GPMB, Tái định cư sẽ do UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện. Bộ GTVT cũng giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long tổ chức thực hiện Dự án.

 

Tin liên quan
Tin khác