Doanh nghiệp
15 doanh nghiệp Việt Nam nhận hỗ trợ chuyển đổi số hóa trong sản xuất công nghiệp
Thế Hải - 06/11/2019 21:53
Bộ Công Thương và các đối tác gồm Tập đoàn Siemens và Công ty Tuv Sud đã lựa chọn được 15 doanh nghiệp phù hợp tham gia thí điểm khảo sát và đánh giá xác định Bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (SIRI) và hỗ trợ các doanh nghiệp này chuyển đổi số hóa trong sản xuất.

Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng Tập đoàn Siemens, Hội đồng phát triển kinh tế của Chính phủ Singapore, Công ty Tuv Sud tiến hành khảo sát và hỗ trợ tư vấn áp dụng SIRI tại các doanh nghiệp ngay trong tháng 11-12/2019.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo kỹ thuật với chủ đề “Đánh giá mức độ sẵn sàng và Xây dựng lộ trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Công Thương tổ chức hôm 5/11/2019. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens về chuyển đổi số trong công nghiệp.

Việc áp dụng thí điểm SIRI do Chính phủ Singapore xây dựng, là một trong các hoạt động của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận và triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, nhằm khai thác những lợi thế và kinh nghiệm của các các doanh nghiệp Đức nói chung và Tập đoàn Siemens nói riêng, tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Siemens về phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, trong đó, thúc đẩy số hóa các lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam thông qua giới thiệu các công nghệ tự động hóa và số hóa hiện đại trong một số ngành công nghiệp tiêu biểu.

Sẽ có 15 doanh nghiệp phù hợp được chọn để tham gia đánh giá SIRI. Qua các bước đánh giá đầu tiên, 7 trong số 15 doanh nghiệp tham gia đánh giá SIRI sẽ được lựa chọn để tiếp tục nhận tư vấn sâu về giải pháp và phương án đầu tư chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nhà máy theo hướng công nghiệp 4.0 sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Với việc triển khai Chương trình này, Bộ Công Thương khẳng định khả năng kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ về chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi công nghệ, xây dựng nền sản xuất với các nhà máy thông minh, hướng tới phát triển bền vững.

Được biết, “Thỏa thuận khung về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng” đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo Tập đoàn Siemens ký kết dưới sự chứng kiến của ông Peter Altmaier, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và năng lượng Liên bang Đức tại Berlin hồi đầu năm nay.

Thỏa thuận khung này sẽ góp phần từng bước hiện thực kế hoạch xây dựng “Lộ trình cơ sở hạ tầng thông minh cho Việt Nam".

Lộ trình này được xây dựng dựa trên các đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế tổng thể nói chung, ngành năng lượng và sản xuất công nghiệp nói riêng, về các điều kiện cơ sở hạ tầng... với mục tiêu tổng thể là phấn đấu đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia công nghiệp và theo đuổi tăng trưởng bền vững.

Tin liên quan
Tin khác