Doanh nghiệp
1,6 tỷ USD chi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu
Thế Hải - 14/06/2019 14:19
Chi ngoại tệ để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và các loại nguyên liệu trong 5 tháng 2019 của cả nước đạt 1,6 tỷ USD, tăng nhẹ 0,28% so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam đã chi 1,614 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, bao gồm: ngô, đậu tương, lúa mỳ...trong 5 tháng 2019.

Ngành chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp trong nước đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 5/2019 đạt 353 triệu USD, tăng 28,47% so với tháng trước đó và tăng 3,92% so với cùng tháng năm ngoái.

Tính chung, trong 5 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đã chi hơn 1,614 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng 0,28% so với cùng kỳ năm 2018.

Các thị trường chính cung cấp hức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam trong 5 tháng qua vẫn là Argentina, Mỹ, Brazil và Trung Quốc... Trong đó, Argentina trở thành thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 571 triệu USD, chiếm 35,4% thị phần.

Kế đến là thị trường Mỹ với kim ngạch nhập khẩu  trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 290 triệu USD, tăng 14,61% so với cùng kỳ năm 2018.

Đứng thứ ba là Brazil với kim ngạch nhập khẩu hơn 114 triệu USD, giảm 38,46% so với cùng kỳ năm 2018.

Các thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh  trong thời gian này là: Australia với 14,9 triệu USD, tăng 152,91% so với cùng kỳ năm 2018, Canada với 21,8 triệu USD, tăng 140,68% so với cùng kỳ năm 2018, Tây Ban Nha với hơn 5 triệu USD, tăng 45,94% so với cùng kỳ năm 2018, sau cùng là Chile với hơn 4,6 triệu USD, tăng 42,86% so với cùng kỳ.

Cụ thể, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như lúa mì, ngô, đậu tương và dầu mỡ động thực vật trong 5 tháng đầu năm 2019 như sau:

Nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất TĂCN 5 tháng đầu năm 2019

Mặt hàng

5T/2019

+/- So với 5T/2018

Lượng (nghìn tấn)

Trị giá (nghìn USD)

Lượng (%)

Trị giá (%)

Lúa mì

1.045

294.517

-58

-49,7

Ngô

4.112

862.586

0,5

6,3

Đậu tương

769

304.965

7

-2,5

Dầu mỡ động thực vật

 

270.974

 

-5,4

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng khoảng 3 - 4%/năm trong giai đoạn từ 2011 đến nay, đặc biệt là các sản phẩm gia súc, gia cầm như lợn, gà và bò.

Trong khi đó, sản lượng ngô và đậu tương trong nước chỉ đáp ứng được 50-55% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, do đó nguồn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Năm 2018, ước tính 70% tổng nguồn nguyên liệu thô làm thức ăn chăn nuôi, bao gồm thức ăn chăn nuôi công nghiệp, là từ nguồn nhập khẩu, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA Post), con số này trong năm 2019 sẽ lên tới 79%.

Nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu năm 2018 của nước ta đạt 3,91 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2017.

Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong năm 2018 là Argentina, Hoa Kỳ và Brazil, chiếm tỷ trọng lần lượt là 32,6%, 17,4% và 12,1%. Argentina là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 1,28 tỷ USD (giảm 14,4% so với năm 2017); đứng thứ hai là Hoa Kỳ với 681,5 triệu tỷ USD (tăng 142,9% so với năm 2017) và đứng thứ ba là Brazil với 472 triệu USD (tăng 234,8% so với năm 2017).

Tin liên quan
Tin khác