Ngày 18/01/2019, tại Vinpearl and Sapa Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức công bố kết quả xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2018 với 35 đơn vị tham gia gồm 14/14 địa phương và 21 sở, ngành, trên địa bàn tỉnh. Chủ đề của DDCI Quảng Ninh năm 2018 là “Hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”.
Trao đổi về tính mới của bộ chỉ số năm 2018, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban IPA cho biết: “Bộ chỉ số đã được chỉnh sửa, bổ sung một số chỉ số và chỉ tiêu nhỏ cho phù hợp với Chỉ số PCI quốc gia”. Cụ thể, chỉ số “Tính năng động thành” được đổi thành “Tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và chính quyền địa phương”.
Như vậy, bộ chỉ số DDCI 2018 của Quảng Ninh có 8 chỉ số thành phần như sau: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và chính quyền địa phương; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành, và chính quyền địa phương.
Năm 2018, phiếu khảo sát DDCI còn bổ sung nhóm câu hỏi mới là “Khảo sát thí điểm trách nhiệm xã hội và năng lực quản trị doanh nghiệp của tỉnh”. Theo bà Chi, mục tiêu của nhóm câu hỏi mới này là để thu thập dữ liệu và đánh giá về chất lượng, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với nhóm câu hỏi này, Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên thực hiện việc ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Kết quả DDCI Quảng Ninh 2018 sắp được công bố tới đây là dựa trên sự tổng hợp ý kiến của khoảng 6.500 đơn vị, bao gồm các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, năm 2018 còn lựa chọn thêm phân nhóm các doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017 và đầu năm 2018.
Ngay tại cuộc họp báo, bà Chi cũng đã trả lời trực tiếp các vấn đề do các cơ quan báo chí đặt ra như: tính mục đích của việc đánh giá DDCI, việc đưa thêm các chế tài áp dụng cho các đối tượng được khảo sát có không có kết quả tốt, việc IPA cũng phải được đánh giá bởi bộ chỉ số; về sự chuyển biến của các đơn vị bị khảo sát sau 4 năm thực hiện việc đánh giá,...
Theo đánh giá của IPA, cơ quan thường trực của Tổ công tác DDCI, từ khi bắt đầu thực hiện việc đánh giá, mục tiêu mà tỉnh Quảng Ninh đưa ra là DDCI sẽ trở thành một công cụ đắc lực cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong công tác xây dựng và điều hành một chính quyền năng động và phục vụ. Kết quả khảo sát được đơn vị tư vấn độc lập đưa ra và phân tích cụ thể là cơ sở quan trọng để lãnh đạo tỉnh đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh, cũng như xác định những điểm nghẽn, nút thắt cần ưu tiên giải quyết. Những điểm đã được và chưa được đều được lượng hóa thông qua điểm số của từng chỉ số thành phần và do vậy giúp từng đơn vị nhận biết được biến động và xu hướng cải thiện của đơn vị mình. Hơn nữa, bản chất của DDCI nói chung và PCI nói riêng là một công cụ đo lường mang tính điều tra xã hội học, không phải là một công cụ hành chính nên không thể dùng kết quả điều tra để áp dụng các biện pháp hành chính với các đối tượng được đánh giá.
Nhờ bộ kết quả đánh giá DDCI này, các năm qua, lãnh đạo tỉnh đều đã có những điều chỉnh kịp thời trong chỉ đạo điều hành và đã đạt được những kết quả tích cực như PCI 2017, Quảng Ninh đã lần đầu tiên giữ vị trí đầu bảng xếp hạng. Còn trong năm 2018, sau khi có công bố DDCI 2017, tỉnh đã có sự chỉ đạo trực tiếp đối với các địa phương, các sở, ban ngành với những yêu cầu về việc cải thiện một vài chỉ số còn kém. “Và sau 1 năm, kết quả chỉ số thành phần của đơn vị đó đã có sự cải thiện rõ rệt”, bà Chi khẳng định.
Trong tương lai, theo đề xuất của IPA thì tỉnh cũng đang xem xét trao việc tổ chức và đánh giá này cho một cơ quan độc lập, và khi đó, IPA cũng sẽ trở thành đối tượng được đánh giá bởi bộ chỉ số như những cơ quan khác của tỉnh.
Lễ công bố DDCI Quảng Ninh 2018 sẽ có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các Đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư; các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp. Lễ công bố còn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các tổ chức phát triển quốc tế như USAID, JETRO, KOTRA và đại diện các cơ quan thông tin, truyền thông trong và ngoài tỉnh.