Tiêu dùng
200 doanh nghiệp dự Hội chợ Đặc sản vùng miền và Triển lãm Mỗi làng một sản phẩm
Thanh Nga - 08/11/2018 21:52
Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam” 2018 và Triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” sẽ chính thức diễn ra từ ngày 21/11 tại Hà Nội tới với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng 20 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội, mở ra cơhội kết nối giao thương lớn từ mọi miền đất nước đến với các kênh phân phối và người tiêu dùng Thủ đô.

Gần 400 gian hàng đặc sản vùng miền

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP. Hà Nội (HPA), đơn vị tổ chức sự kiện cho biết, sau 4 năm tổ chức, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam đã khẳng định vị trí là hội chợ hàng đầu giới thiệu các sản phẩm đặc sản chất lượng cao từ mọi miền đất nước đến với các kênh phân phối và người tiêu dùng Hà Nội.

Hội chợ quy tụ gần 400 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng miền

Theo đó, tiếp nối những thành công của các hội chợ những năm trước, Hội chợ năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 21 đến ngày 25/11/2018 tại Quảng trường Trung tâm thương mại Mega Mall - Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) với quy mô gần 300 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ 6 quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, Hội chợ đặc sản vùng miền năm nay còn kết hợp với Triển lãm mỗi làng một sản phẩm, quy tụ gần 100 gian hàng của trên 20 làng nghề tiêu biểu của Thành phố.

Tại hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với các phẩm chỉ dẫn địa lý, được đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Tiêu biểu có thể kể tới nước mắm Phú Quốc, gạo Điện Biên, chè Shan Tuyết, chè Tân Cương, sâm Ngọc Linh, chả mực Hạ Long, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn... Hay các sản phẩm tôm khô trứ danh của đồng bằng Sông Cửu Long,  cà phê Arabica của Lâm Đồng, cà phê Robusta của Đắc Lắc với các chứng nhận chất lượng từ châu Âu, chứng nhận thương mại công bằng được giới thiệu rộng rãi.

Cùng với các gian hàng đặc sản trong nước, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018 năm nay còn có sự tham gia của 10 gian hàng quốc tế đến từ Bulgaria, Pakistan, Sri Lanka, Slovakia, Indonesia, Nhật Bản…. đem lại những trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng thủ đô về các sản phẩm đặc sản và văn hóa đến từ các nhiều quốc gia này.

 Không gian thiết kế đậm dấu ấn văn hóa

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018 sẽ được thiết kế đặc biệt nhằm tạo nên không gian trưng bày mang đậm giá trị văn hóa và nghệ thuật của các vùng miền, làng nghề.

Một mô hình trưng bày sản phẩm đang được các nghệ nhân tại làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) gấp rút hoàn thiện

Theo đó, không gian văn hóa đậm nét truyền thống của dân tộc Việt Nam được tổ chức hằng đêm trong suốt kỳ Hội chợ với các không gian thưởng trà Việt; không gian đặc sản và văn hóa 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; biểu diễn nghệ thuật làm bánh dân gian; không gian đặc sản và văn hóa Tây Bắc; văn hóa cồng chiêng...

Đây cũng là lần đầu tiên các trang phục truyền thống của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia được thể hiện rõ nét, tạo nên một không khí lễ hội vùng miền thực sự trong kỳ hội chợ.  Đồng thời, các gian trưng bày, giới thiệu sản vật vùng miền sẽ kết hợp cùng không gian bán hàng di động là một điểm nhấn để phát triển kênh bán lẻ các sản phẩm đặc sản và quà tặng cho thị trường trong nước.

Cũng theo bà Mai Anh, để có được không gian hội chợ đặc sắc với nhiều nét đột phá, công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ rất sớm. Ban tổ chức đã tổ chức thực hiện các mẫu thiết kế trên cơ sở kế thừa và học tập các mô hình triển lãm của nước ngoài và sự tham góp của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Dưới đây là một số hình ảnh về công tác chuẩn bị được phóng viên vừa ghi lại tại một số làng nghề của Hà Nội:  

Cơ sở sản xuất mỹ nghệ sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín) đang gấp rút hoàn thiện các sản phẩm
Cơ sở sản xuất mây tre đan tại xã Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) chuẩn bị sản phẩm tham gia Triển lãm
Các sản phẩm tham gia Triển lãm của Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)

Như khẳng định của ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc HPA, Hội chợ “Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2018” và Triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm-OVOP 2018” là hoạt động quan trọng nhằm triển khai các chương trình hợp tác giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực thương mại, nông nghiệp. Trên cơ sở đó, định hướng các vùng sản xuất tập trung cung cấp hàng hóa giữa các địa phương với Hà Nội, để Hà Nội trở thành trung tâm tiêu thụ và kết nối sản phẩm xuất khẩu cho các thị trường.

Đây cũng là dịp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường; bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa.

“Các sản phẩm được trưng bày trong sự kiện này chắc chắn sẽ đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng về tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm đặc sản của Việt Nam, đồng thời cũng nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp để duy trì và phát triển uy tín, thương hiệu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia”, ông Phương chia sẻ.

Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2017 thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị , doanh nghiệp đến từ 55 tỉnh, thành phố trong nước, đón nhận hơn 20.000 lượt khách tham quan, giao dịch và mua sắm. Hội chợ đã được các doanh nghiệp, người tiêu dùng Thủ đô và toàn quốc và đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao.
Tin liên quan
Tin khác