Ngành công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành khó nắm bắt khi có quá nhiều yếu tố đặc biệt phải được xem xét, cân nhắc. Ví dụ, thực phẩm của bạn bán ra phải phù hợp với khẩu vị của khách hàng – vốn là một biến số thay đổi rất nhanh. Mặt khác, bạn còn phải đối mặt với thách thức xác định đâu là xu hướng mới, đâu chỉ là những món ăn theo trào lưu ngắn.
Theo phân tích của ông Hoàng Tùng - CEO chuỗi Pizza Home, startup ngành F&B cần có sự nhạy cảm về thị hiếu của khách hàng và sự phát triển của thị trường để nắm bắt cơ hội. Ví dụ, năm 2010 trà sữa mới du nhập vào thị trường Việt Nam nhưng không bao lâu thì “chìm”. Bởi thời điểm đó, người tiêu dùng Việt cần có thời gian để thích ứng với món ăn, văn hóa ẩm thực mới. Burger cũng là ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Thế nhưng, đến năm 2017 khi thị trường đã có phản hồi tốt, các ông lớn trong ngành bắt đầu nhảy vào thị trường mạnh mẽ hơn, đưa thị trường trà sữa lên một tầm cao mới, với những câu chuyện kinh doanh hấp dẫn, đưa sản phẩm vào đời sống người dân và trở thành một phần của văn hóa ẩm thực bản địa. Đó chính là sự khác biệt của thị trường trà sữa với mỳ cay 7 cấp độ hay chè khúc bạch – một bên là xu hướng phát triển và một bên là trào lưu qua nhanh.
Ngành công nghiệp F&B nhiều thách thức nhưng mang đến lợi nhuận hấp dẫn, đặc biệt tại thị trường Á đông – nơi mà tình yêu ẩm thực là một bản sắc.
Để có thêm kinh nghiệm trong việc xây dựng công ty trong ngành F&B, trở nên nhạy cảm với thị trường hơn, bạn cần biết những chia sẻ của những doanh nhân thành công trong ngành này. Dưới đây là kinh nghiệm của 3 người chiến thắng trong cuộc thi Food Start-up Summit được tổ chức bởi The Spark Project (nền tảng gọi vốn cộng đồng tại Philippines) và Globe Telecom vừa qua tại Manila vào 10/2017:
1. Tự đào tạo về xu hướng thực phẩm
RJ Ledesma của Mercato Group - nhà hàng ẩm thực và phong cách sống nổi tiếng tại Manila - khuyên bạn nên bán các thực phẩm thủ công bởi vì khách hàng không chỉ ăn thức ăn bạn bán, họ muốn nghe câu chuyện đằng sau nó.
Ngoài ra, khách hàng rất hứng thú và tin tưởng với những nhà hàng có tính di sản, kế thừa, nơi mà họ được thưởng thức các món ăn, thức uống được chế biến theo công thức bí truyền, được giữ gìn, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố các doanh nhân phải theo đuổi. Ledesma dẫn chứng đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain từng nhận xét rằng thức ăn Philippines không đạt chất lượng.
Ngoài ra, việc đổi mới món ăn bằng cách kết hợp cách chế biến của nhiều nền văn hóa sẽ khiến thực khách của bạn hứng thú với sản phẩm hơn, đồng thời, bạn trở nên khác biệt hơn trên thị trường.
2. Kết hợp cổ điển – hiện đại
Aiza Mesina đến từ La Carnita Modern Mexican Cantina cho biết sự kết hợp hòa quyện giữa cổ điển và hiện đại là nguyên tắc luôn được ghi nhớ trong tâm trí khi cô thực hiện món ăn, và cũng là yếu tố mang lại chiến thắng cho cô tại cuộc thi.
“Với kinh nghiệm của mình, tôi kết hợp công thức cổ điển với một quy trình chế biến hiện đại. Và tôi chắc chắn rằng món ăn phải có chất lượng tốt lẫn hương vị hấp dẫn khi giữ được hương vị truyền thống nhưng với một chút tinh chỉnh trong chế biến”, cô chia sẻ.
3. Đừng bao giờ tự mãn
Joshua Antonio cũng là một trong số những người chiến thắng cuộc thi cho biết, một trong số những điều tối kỵ của startup ngành F&B là tự mãn.
“Bởi vì một khi bạn tự mãn với những gì mình có, và bạn nghĩ rằng sản phẩm của bạn thật tuyệt vời, đó là lúc mọi thứ đi xuống”, ông nói. “Bạn cần hiểu rõ thị trường của mình, bạn cần biết khách hàng mới, khẩu vị của họ như thế nào. Và nếu như bạn đang mở rộng chuỗi, bạn cần phải hiểu rõ nơi bạn sắp đặt nhà hàng, ví dụ như nơi đó đã bão hòa chưa hay còn tiềm năng phát triển”, Antonio nói thêm.
Antonio đã nhận ra cách phát triển nhanh trong ngành F&B: “Bạn cần liên tục phát triển, xây dựng, gìn giữ sản phẩm và thương hiệu của mình”.