Ảnh: Wise Bread |
Thật may là kiểu hối tiếc này vẫn hữu ích vì thường sau khi mất tiền, bạn sẽ có một bài học. Nhưng không nhất thiết phải trải nghiệm sai lầm mới rút ra được bài học đúng. Dưới đây là đúc kết của các chuyên gia về những hối tiếc tài chính và cách để tránh, theo Nbcnews:
Tin nhầm người
"Một số người cố bắt quen, thân với bạn chỉ để trục lợi", Mela Garber, chuyên gia tài chính tại thành phố New York, nói. Thường, người này không hỏi mượn hay xin tiền ngay từ đầu mà sẽ tỏ ra đáng tin hay đáng thương...
Những chuyên gia lừa đảo có thể giả mạo chữ ký, mở thẻ tín dụng đứng tên nạn nhân hoặc đơn giản là kêu gọi đầu tư vào một vụ làm ăn chẳng mang lại lợi ích gì hay nhờ bạn thanh toán hoá đơn. Những người dễ bị lừa thường là vừa ly hôn hay mất người thân.
Cách tránh: Nên cảnh giác hơn với những mối quan hệ mới hình thành một cách nhanh chóng. "Nếu người nhà và bạn bè bình luận tiêu cực về mối quan hệ mới hoặc đặt nhiều câu hỏi về người kia, đó là dấu hiệu cảnh báo", chuyên gia Garber nói. Khi nghi ngờ, hãy hỏi ý kiến từ một người tin cậy lâu năm. "Đôi khi chúng ta phải đặt cảm xúc sang một bên và lắng nghe những điều mình không muốn nghe", Garber nhấn mạnh.
Không mua nhà vào thời điểm đúng
Sở hữu nhà là một trong những cách tốt nhất để đầu tư cho tương lai và tạo hàng rào chống lại lạm phát, Dean Sioukas, CEO một công ty tài chính tại Mỹ, cho biết.
"Trong một nền kinh tế bình thường, nếu không mua nhà, bạn sẽ hối tiếc. Khi nhìn lại số tiền mình bỏ ra để thuê hoặc giá chênh lệch của ngôi nhà mình đã lỡ không mua, bạn sẽ cảm nhận được nỗi đau". Ngoài việc mất tiền, đó còn là vuột mất lợi ích vô hình từ cảm giác an tâm khi không phải lo bị chủ nhà "đuổi" và niềm tự hào từ việc mình đã có được một chốn riêng.
Cách tránh: Tất nhiên, mua nhà không phải lựa chọn cho mọi người, vì nó còn tuỳ thuộc vào thu nhập và tình trạng nợ nần. Nhưng mua một ngôi nhà không khó như bạn tưởng. Hãy lên kế hoạch về việc này, tìm kiếm các cơ hội, tiết kiệm tiền và "xuống tay" khi tới lúc thích hợp.
Không tiết kiệm và đầu tư sớm hơn
Sức mạnh của thời gian trong việc gộp thu nhập từ các khoản đầu tư thường bị đánh giá thấp, Dodee Crockett, một chuyên gia tư vấn tài chính tại thành phố Dallas (Mỹ), cho biết. "Hệ quả thường là bạn phải làm việc nhiều năm hơn để đạt được mục tiêu tài chính nhằm chăm lo cho gia đình và bình thản nghỉ hưu", bà nói.
Rào cản khiến nhiều người ngại đầu tư - dù ở bất cứ tuổi nào - bao gồm sự thiếu tự tin và kiến thức, hai điều thường đi đôi với nhau. Một nghiên cứu mới của công ty tài chính nơi bà Crockett làm việc, công ty Merrill Lynch, cho thấy, 41% phụ nữ nói rằng "không đầu tư nhiều hơn" là hối tiếc tài chính lớn nhất của họ.
Cách tránh: Dành thời gian trau dồi kiến thức tài chính, gặp gỡ với các chuyên gia, từ đó tìm ra cách đầu tư nào phù hợp và bản thân am hiểu nhất.
Không tách bạch tài sản trước hôn nhân
Khi ly hôn, hầu hết mọi người đều nói "tôi chưa bao giờ nghĩ việc này sẽ xảy ra với mình". Và hệ quả là, người ta không thực hiện các bước để bảo vệ tài sản cho bản thân.
"Nếu bạn đặt tất cả tài sản của mình vào một tài khoản với vợ, chồng hay mua một ngôi nhà cùng họ, mọi thứ sẽ trở thành tài sản chung trong hôn nhân", chuyên gia tài chính Garber giải thích. "Nếu ly hôn, người kia có thể nhận một nửa, mặc dù họ chưa bao giờ tham gia vào việc tạo ra tài sản đó". Không may là, nhiều người e ngại đề nghị bạn đời làm hợp đồng hôn nhân và cảm thấy việc đó dễ khiến tình cảm rạn nứt.
Cách tránh: Rõ ràng, nên thẳng thắn và tách bạch về vấn đề tài sản trước khi kết hôn và trong hôn nhân. Những gia đình có nhiều tài sản cần được bảo vệ, chẳng hạn như công ty riêng, có thể phải đối thoại với nhau để đưa ra những quy tắc. Nên làm việc này khi con cái mình còn ở tuổi teen và chưa vướng vào yêu đương.
Chẳng hạn, bạn có thể tổ chức một buổi họp gia đình và nói cho con cái hiểu: "Khi con kết hôn, con sẽ cần yêu cầu bạn đời ký vào văn bản để bảo vệ công ty riêng của gia đình ta". Đây vừa là cách để bảo toàn tài sản gia đình, vừa dạy con bạn biết bảo vệ tài chính của bản thân.