Ô tô - xe máy
4 lý do kéo giá ôtô xuống trong năm 2014
PV - 22/01/2014 07:02
Thuế nhập khẩu ôtô từ các nước khu vực Đông Nam Á giảm, thuế trước bạ ở một số thành phố lớn giảm, ưu tiên cho xe có tỉ lệ nội địa hóa cao, sức “nóng” cạnh tranh giữa các hãng xe ngày càng càng tăng... Đó là 4 lý do chính kéo giá ôtô xuống mức rẻ hơn trong năm 2014.

1- Thuế nhập khẩu giảm

Từ ngày đầu tiên của năm 2014, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực Đông Nam Á giảm xuống còn 50%.

Động thái này được thực hiện theo nội dung Thông tư 161 do Bộ Tài chính ban hành ngày 17/11/2011 để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 – 2014. Trước đó, cũng theo quy định này, mức thuế suất trong năm 2013 đã giảm từ 70% năm 2012 xuống còn 60%.


Thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực Đông Nam Á giảm xuống còn 50%

Tuy các quốc gia Đông Nam Á không phải là trung tâm sản xuất xe hơi, nhưng có nhiều nhà sản xuất lớn như Toyota và Honda của Nhật Bản hiện diện tại đây. Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, đã có tổng cộng 8.826 xe hơi, trị giá gần 150 triệu USD được nhập khẩu vào Việt Nam từ Thái Lan và Indonesia trong 11 tháng năm 2013, tăng hơn gấp đôi so với cùng kì năm 2012.

Quyết định của chính phủ về việc cắt giảm thuế nhập khẩu xe từ các nước Đông Nam Á đóng góp đáng kể vào việc làm nóng thị trường, đồng thời, giảm giá xe. Ví dụ một số dòng xe nhập từ Thái Lan như Honda Accord, Toyota Yaris… chắc chắn sẽ được giảm giá, tuy không nhiều.

2- Thuế trước bạ giảm

Cũng sau ngày 1/1/2014, đa số thành phố và khu vực đã giảm phí trước bạ xuống còn 10% giá trị của xe. TP HCM sẽ giảm đáng kể khi mức phí trước bạ áp cho các loại ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu hạ xuống còn 10% thay vì 15% như trước. Trong khi đó Hà Nội giảm thuế xuống còn 12% trước đó.


Sau ngày 1/1/2014, đa số thành phố và khu vực đã giảm phí trước bạ xuống còn 10%

Ví dụ như tại Tp.HCM, mức giảm 5% phí trước bạ sẽ giúp người mua xe tại khu vực này tiết kiệm được từ vài chục tới vài trăm triệu đồng tùy theo giá bán của xe.

Chẳng hạn khách hàng mua xe Kia Morning mới với giá 450 triệu đồng sẽ bớt chi phí so với trước 22,5 triệu đồng tiền phí trước bạ còn nếu mua các dòng xe hạng sang giá 2-3 tỷ đồng, mức giảm chi phí sẽ vào khoảng từ 100 đến 150 triệu đồng. Thay đổi này hứa hẹn sẽ giúp thị trường xe tại TP HCM sôi động hơn trong năm 2014, người tiêu dùng, vì thế, cũng được mua xe với mức giá thấp hơn so với năm ngoái (2013).

3- Nội địa hóa cao, giá xe giảm

Chính phủ đang có chiến lược tập trung để ưu đãi mạnh cho dòng xe chở người dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh dưới 2.0L và đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 25% trở lên.
Đặc biệt, khi mức nội địa hóa của dòng xe này lên tới trên 40% thì mức ưu đãi thuế, phí sẽ lên tới 70%. Các mức nội địa hóa từ 25% đến 40% sẽ xem ưu đãi cụ thể sau nhưng với phương châm tỉ lệ nội địa hóa càng cao, mức ưu đãi thuế, phí càng nhiều.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với chính sách như trên, những doanh nghiệp có thể đạt được điều kiện để hưởng ưu đãi có thể là Toyota Việt Nam, Trường Hải và Vinaxuki. Đây là những doanh nghiệp sẽ có những mẫu xe đạt tỉ lệ nội địa hóa 40% trong thời gian tới.

Các xe có tỉ lệ nội địa hóa nhiều hiển nhiên sẽ có giá thành thấp hơn, xe sẽ có nhiều cơ hội đến tay người tiêu dùng hơn.

4- Cạnh tranh bằng khuyến mãi

Năm 2013 thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến nhiều mẫu xe mới ra mắt, thêm nhiều hãng xe vào Việt Nam. Khi “miếng bánh” phải chia thêm cho nhiều “người” tạo ra một cuộc đua tranh quyết liệt.

Sự cạnh tranh này được hiểu ở hai góc độ: Thứ nhất, các hãng, các doanh nghiệp cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc – thể hiện rõ nét ở phân khúc xe hạng sang mà Mercedes – Benz VN, dù vẫn giữ vị trí số 1 về phân khúc xe hạng sang nhưng đang phải gồng mình cạnh tranh với hàng loạt mẫu xe nhập khẩu của BMW, Audi, Porsche và mới đây nhất là Lexus…


Đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng xe, dòng xe, phân khúc xe

Thứ hai, là cạnh tranh giữa các hãng, các doanh nghiệp lắp ráp trong nước với nhau, chủ yếu tập trung ở phân khúc xe hạng trung, hạng nhỏ, SUV, dòng Sedan trung cấp như Civic, Altis, Ford Fucus hay Ford Fiesta, Honda City, Nissan Sunny. Ở phân khúc Pick-up – dù không phải là phân khúc được nhiều người quan tâm những cũng nhiều sự lựa chọn, cạnh tranh không kém phần gay gắt như Toyota Hilux, Ford Ranger, Nissan Navara, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton...

Như vậy là ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng sản phẩm và dịch vụ, các hãng xe buộc phải tạo lợi thế cạnh tranh bằng giảm giá bán, đưa ra các chương trình khuyến mại. Việc giảm giá bắt nguồn từ sự cạnh tranh giữa chính các doanh nghiệp trong nước ở từng phân khúc, dòng xe, mẫu xe. Thực tế từ đầu năm đến nay cho thấy, cứ hễ một doanh nghiệp nào đó tung ra chương trình giảm giá, khuyến mãi thì những hãng khác có mẫu xe cùng phân khúc sẽ ngay lập tức “đáp trả” bằng một chương trình tương tự hoặc tốt hơn.

Dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài và trở thành xu hướng cạnh tranh trong năm 2014 và các năm sau đó.

Tin liên quan
Tin khác