Thời sự
40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước
Hạnh Nguyên - 04/11/2021 09:05
Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021) sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 7/11.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tất cả các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố sẽ phối hợp cùng với Hội đồng Trị sự chỉ tổ chức Đại lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào cùng một buổi trực tuyến sáng 7/11/2021.

Hình minh họa.

Các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố không tổ chức riêng lẻ và tập trung nguồn lực ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.

Đại lễ kỷ niệm sẽ bắt đầu lúc 8 giờ ngày 7/11 (mùng 3/10 năm Tân Sửu) với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và Phát triển cùng đất nước”. Điểm cầu Trung ương tại Trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQVN (số 46 phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), điểm cầu địa phương tại trụ sở Ủy ban MTTQVN 63 tỉnh, thành phố.

Đại biểu tham dự cần có thẻ xanh Covid-19 hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, làm xét nghiệm Covid-19 trước khi đến dự Đại lễ.

Từ ngày 4 - 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, 9 tổ chức hệ phái trong cả nước cùng Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hai hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Hội đồng Chứng minh có 96 thành viên là các trường lão cao tăng, thạc đức. Hội đồng Trị sự có 225 ủy viên Hội đồng Trị sự và 45 ủy viên dự khuyết.

Trải qua 8 nhiệm kỳ, trong chặng đường 40 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, có nhiều thành tích tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu tập, thực hành đúng theo chính pháp giáo lý của Phật giáo, sống tốt đời, đẹp đạo. Thực hiện nghiêm pháp luật nhà nước. Phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn truyền thống văn hóa, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Giáo hội thành lập và xây dựng 4 Học viện Phật giáo mà tiền thân là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Thành phố Cần Thơ.

Đến nay các Học viện đã đào tạo trên 10.000 Tăng Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 3.000 Tăng Ni sinh. Hệ Cao đẳng Phật học có 9 lớp Cao đẳng Phật học đã đào tạo hơn 4.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp; và đang đào tạo hơn 1.000 Tăng Ni sinh. Cả nước có 35 Trường Trung cấp Phật học, đã đào tạo trên 12.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học, đang đào tạo gần 5.000 Tăng Ni sinh.

Giáo hội cũng đã chủ động gửi các Tăng Ni đi đào tạo, du học nước ngoài. Đến nay Giáo hội đã giới thiệu gần 1.000 Tăng Ni đi du học ở các nước: Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Sri Lanka... Đã có khoảng hơn 200 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ về nước phục vụ công tác Giáo hội. Đây là nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo giáo dục Tăng Ni của Giáo hội.

Công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác Phật sự trọng tâm của Giáo hội, của Tăng Ni, Phật tử. Công tác từ thiện tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động.

Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân hàng năm. Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ, ngư dân biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc... kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Giáo hội đã tổ chức thực hiện cứu trợ nhân đạo quốc tế trước các thảm họa thiên tai động đất, sóng thần tại Nhật Bản, Nepal, Indonesia… và gần đây nhất, trong làn sóng đại dịch Covid-19, Giáo hội đã ủng hộ lương thực, trang thiết bị vật tư y tế cho nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal… trong công tác phòng, chống dịch…

Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, Giáo hội đã chỉ đạo các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện dừng sinh hoạt tập trung đông người, dừng tổ chức tất cả các lễ hội, các khoá lễ, khóa tu tập trung đông người; có văn bản kêu gọi các Phật tử thực hiện các quy định, các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Bộ Y tế thực hiện 5K và động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực đóng góp nguồn lực cho Quỹ vắc-xin và Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc cho bệnh nhân... trị giá gần 1.000 tỷ đồng.

Nhiều Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly cho bệnh nhân…

Tin liên quan
Tin khác