Nếu chọn đúng nhà đầu tư, startup sẽ lên như diều gặp gió |
Sau những ngày tháng khởi động khốn khổ, bạn nhận thấy startup của mình đã đến thời điểm gọi vốn. Tuy nhiên, để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp cũng là cả một vấn đề. Đương nhiên tiền là yếu tố quan trọng nhất, nhưng những nhà đầu tư phù hợp còn mang lại cho startup nhiều thứ giá trị khác: những mối quan hệ, những kinh nghiệm trong ngành và những lời khuyên giá trị.
Sự có mặt của nhà đầu tư sẽ là bảo chứng để chứng minh tính khả thi của startup, đồng thời cũng đảm bảo tương lai tài chính của doanh nghiệp, dù chỉ là những khoản vốn thiên thần ban đầu để startup có thể tiếp tục tăng trưởng.
Tuy nhiên, trước khi chọn bạn đồng hành, hãy đảm bảo bạn đã nghiên cứu kỹ danh mục đầu tư nhà đầu tư, và hãy tỉnh táo đừng để đồng tiền làm mờ mắt. Hiểu rõ tính cách nhà đầu tư, bạn sẽ tránh khỏi những áp lực khi đồng hành trên con đường khởi nghiệp.
Tin tưởng vào trực giác, đừng sợ phải đào bới kỹ lý lịch của họ, và suy nghĩ về những tiềm năng của mỗi nhà đầu tư xem họ có thể hợp tác lâu dài hay không.
Sau đây là 5 kiểu nhà đầu tư bạn nên nhận biết trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng mà về sau chắc chắn bạn sẽ hối hận.
1. Những kẻ bám đuôi:
Đây là loại nhà đầu tư cuối cùng bạn muốn gặp phải. Một lời khẳng định “không” sẽ tốt hơn nhiều so với những quyết định lưỡng lự, nước đôi “chúng tôi cần suy nghĩ thêm”.
Nếu bạn nghĩ nhà đầu tư đó đang cố gắng bám đuôi bạn, hãy bỏ đi ngay khi còn có thể. Có thể họ đang sợ phải cam kết trước khi nhìn thấy có người khác đầu tư vào doanh nghiệp của bạn. Hãy cẩn thận trước những gã khờ đội lốt nhà đầu tư thiên thần.
2. Những chú cừu non đội lốt sói già:
Có rất nhiều nhà đầu tư thiên thần sẽ chỉ rót vốn khi họ nhìn thấy những nhà đầu tư đáng tin cậy rót vốn vào startup của bạn. Họ có xu hướng bầy đàn, và không đủ chuyên môn để tự đưa ra quyết định cho chính mình. Nhà đầu tư thực thụ sẽ biết đâu là điểm khác biệt cho sản phẩm của bạn, và có những chỉ tiêu để tin tưởng startup của bạn sẽ đem lại lợi nhuận cho họ.
Bạn nên kết thúc vòng gọi vốn với các nhà đầu tư thực thụ và cắt đuôi những kẻ bắt chước. Và bạn sẽ có có nhiều cơ hội hơn để sống sót đến vòng gọi vốn tiếp theo.
3. Những “thùng rỗng kêu to”:
Hãy cẩn thận với những nhà đầu tư luôn thích đưa ra những lời khuyên chủ quan dù không có tí hiểu biết gì về ngành bạn đang làm. Họ đã sử dụng những sản phẩm gần giống của bạn không có nghĩa họ đủ khả năng để tư vấn cách bạn tăng trưởng startup, tính năng gì bạn cần thêm, hoặc cải biến nào bạn cần thay đổi.
Vì thế, hãy nghiên cứu kỹ lý lịch của nhà đầu tư, về xu hướng đầu tư, cũng như kinh nghiệm chuyên môn của nhà đầu tư về các ngành bạn quan tâm.
4. Những nhà đầu tư thiển cận:
Nếu nhà đầu tư thiên thần luôn sốt sắng một cách vô lý với khoản đầu tư vào bạn, bạn nên rời khỏi buổi pitching ngay lập tức. Nếu họ ngay lập tức hỏi về điểm hòa vốn cũng như bao lâu họ sẽ lấy lại được tiền trước khi đặt bút kí hợp đồng, đồng nghĩa với việc vào thời điểm khó khăn nhất họ sẽ không bao giờ “đồng cam cộng khổ” cùng bạn.
Phát triển một startup đã đủ áp lực rồi, bạn không cần phải tự reo thêm áp lực cho mình nữa từ một nhà đầu tư tồi tệ. Bạn cần một nhà đầu tư hiểu bạn, phải là người có thể đồng hành trên đường dài và thông cảm khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nhà đầu tư thực thụ sẽ hiểu đôi khi các cột mốc và mục tiêu sẽ không thể đúng như dự đoán, và những vòng gọi vốn tiếp theo sẽ là lựa chọn mang lợi nhuận cao hơn là kế hoạch cắt lỗ sớm hay những thương vụ sáp nhập giá rẻ. Và bạn cần tỉnh táo khi chọn nhà đầu tư.
5. Những nhà đầu tư vụ lợi:
Có những nhà đầu tư thiên thần chỉ luôn tìm cách cướp đi ý tưởng của bạn. Họ chỉ đầu tư khi bạn cho họ trở thành đồng sáng lập. Họ chỉ giới thiệu bạn với những nhà đầu tư khác khi bạn đồng ý những điều khoản quá đáng.
Những “thiên thần” thực sự không làm thế, điều đó trái ngược với đạo đức kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp. Ngay cả những lúc khó khăn nhất, bạn cũng nên tỉnh táo với những nhà đầu tư kiểu này, đừng ký “giao kèo với ác quỷ”. Hãy cẩn thận với những nhà đầu tư lợi dụng sự khó khăn và ngây thơ của bạn. Nếu bạn nghĩ giới đầu tư đã trở nên tử tế hơn đặc biệt trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hãy chờ đến lúc họ dạy bạn làm thế nào để điều hành công ty bằng cách trao quyền vào tay họ.