Đầu tư
60 nhà đầu tư dự sơ tuyển PPP cao tốc Bắc Nam và phố đi bộ theo kiểu Nhật Bản tại Đà Nẵng
Hồ Hạ - 20/07/2019 10:30
Tập đoàn Mikazuki muốn xây dựng chợ đêm và phố đi bộ theo kiểu Nhật Bản tại Đà Nẵng; 60 nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ dự sơ tuyển PPP cao tốc Bắc Nam; Giao hơn 5.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho Bộ Giao thông vận tải… là những thông tin đáng chú ý về đầu tư tuần này.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio

Tập đoàn Mikazuki muốn xây dựng chợ đêm và phố đi bộ theo kiểu Nhật Bản tại Đà Nẵng

Ngày 15/7, đại diện Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) đã có cuộc làm việc với UBND TP Đà Nẵng về kế hoạch đầu tư dự án chợ đêm và phố đi bộ giống phố đêm Tokyo.

Theo đó, lãnh đạo Tập đoàn Mikazuki tiếp tục khẳng định và cam kết hoàn thành xây dựng khu Công viên nước khoáng nóng onsen tại dự án Khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel vào tháng 4-2020 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2021.

Tập đoàn Mikazuki trước đó đã tổ chức khởi công Dự án Mikazuki Spa và Hotel Resort mang đậm phong cách Nhật Bản tại biển Xuân Thiều với tổng vốn khoảng 100 triệu USD.

Bên cạnh đó, tổng Giám đốc Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản), ông Yoshimune Odaka bày tỏ mong muốn được đầu tư 50 triệu USD xây dựng chợ đêm và phố đi bộ bên cạnh dự án khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).

Tập đoàn này cũng đề xuất thành phố sớm hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích 5.000m2 đất của dự án thành đất thương mại - dịch vụ cũng như triển khai các phần việc liên quan đến dự án.

Tập đoàn Mikazuki trước đó đã tổ chức khởi công Dự án Mikazuki Spa và Hotel Resort mang đậm phong cách Nhật Bản tại biển Xuân Thiều với tổng vốn khoảng 100 triệu USD.

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh hoan nghênh Tập đoàn Mikazuki nghiên cứu đầu tư thêm 50 triệu USD để làm chợ đêm và phố đi bộ ở bên cạnh Khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel. Về các đề xuất của tập đoàn, UBND thành phố cam kết sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực đẩy nhanh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 5.000m2 để sớm hoàn thành dự án.

60 nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ dự sơ tuyển PPP cao tốc Bắc Nam

Tính đến ngày 15/7, đã có 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển đã được nộp để tham gia vào 8 dự án PPP thành phần, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông.

Bộ GTVT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP khoảng đầu tháng 9/2019.

Bộ GTVT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP khoảng đầu tháng 9/2019.

Sáng 15/7, Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT đã mở hồ sơ dự sơ tuyển Dự án PPP cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Đây là phân đoạn cuối cùng trong số 8 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông mở hồ sơ dự sơ tuyển.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, có 9 liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nộp hồ sơ dự sơ tuyển, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Philippines.

Đà Nẵng liên thông về thủ tục đầu tư đối với các dự án ngoài khu công nghiệp

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định phê duyệt việc: Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư đối với các dự án thực hiện ngoài khu công nghiệp, Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho hay, theo Quyết định số 2756/QĐ-UBND do UBND thành phố đã phê duyệt thì công tác xúc tiến, hỗ trợ và quản lý đầu tư phải gắn liền chủ trương, định hướng chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao trách nhiệm và chất lượng xử lý thủ tục hành chính các ngành có liên quan nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại của nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Đà Nẵng liên thông về thủ tục đầu tư đối với các dự án ngoài khu công nghiệp. Ảnh là Khu công nghệ Thông tin tập trung với tổng vốn 2.700 tỷ đồng vừa được khánh thành giai đoạn I vào cuối tháng 3/2019.

Đà Nẵng liên thông về thủ tục đầu tư đối với các dự án ngoài khu công nghiệp. Ảnh là Khu công nghệ Thông tin tập trung với tổng vốn 2.700 tỷ đồng vừa được khánh thành giai đoạn I vào cuối tháng 3/2019.

Theo đó, Đề án quản lý liên thông về thủ tục đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư trong và ngoài nước thực hiện ngoài khu công nghiệp, khu Công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố được Đà Nẵng phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục.

Đề án cũng xác định, về xác định nhu cầu đầu tư và lựa chọn địa điểm dự kiến thực hiện dự án: Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với các nhà đầu tư quan tâm về mục tiêu, quy mô dự án, loại hình dự án và vị trí dự kiến thực hiện dự án…; tiếp nhận văn bản đề xuất ý tưởng dự án từ nhà đầu tư quan tâm; đồng thời giới thiệu địa điểm,  hướng dẫn nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp với các quy hoạch của thành phố.

Về chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận đề xuất dự án sơ bộ của nhà đầu tư, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan về sự phù hợp của địa điểm, quy hoạch, mục tiêu hoạt động và các điều kiện khác (nếu có) để tham mưu UBND thành phố thống nhất hoặc không thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu dự án. Trường hợp thống nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho nhà đầu tư quan tâm về chủ trương của thành phố và hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các thủ tục tiếp theo. Trường hợp UBND thành phố không thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho nhà đầu tư quan tâm được biết và hướng dẫn nhà đầu tư quan tâm chọn phương án đầu tư khác phù hợp.

Về lựa chọn nhà đầu tư, có hai hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất đã giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai (do Sở tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất là các đơn vị chủ trì thực hiện) và đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các khu đất chưa được giải phóng mặt bằng theo quy định Luật Đấu thầu (các ban Quản lý dự án thuộc UBND thành phố chủ trì thực hiện các thủ tục liên quan).

Về cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư chủ trì, lấy ý kiến các ngành để thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư hoặc căn cứ hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối làm tổng chỉ huy, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiến độ tổng thể thực hiện các thủ tục đầu tư cho từng dự án cụ thể và trực tiếp đôn đốc, theo dõi, giám sát, tổng hợp và định kỳ 2 tuần/lần báo cáo tình hình triển khai cho lãnh đạo thành phố kịp thời chỉ đạo thực hiện.

Giao hơn 5.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho Bộ Giao thông vận tải

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2019.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải 5.164.396 triệu đồng vốn kế hoạch năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 4.393.147 triệu đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 771.249 triệu đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ danh mục dự án và tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 được giao, quyết định giao cho Bộ Giao thông vận tải chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư ngân sách trung ương năm 2019 của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình; chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019; định kỳ hằng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư vốn ngân sách nhà nước.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương năm 2019 được giao và Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án, bao gồm thu hồi các khoản vốn ứng trước theo quy định gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/7/2019.

ACV muốn đầu tư trọn gói Cảng hàng không Nà Sản 2.300 tỷ đồng

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về việc giao doanh nghiệp này đầu tư toàn bộ Cảng hàng không Nà Sản.

ACV vừa trình Bộ GTVT thẩm định kết quả báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự ánxây dựng cảng hàng không Nà Sản – Sơn La.

Theo đó, cảng hàng không Nà Sản sẽ được đầu tư mới toàn bộ sau khi sân bay này bị đóng cửa do xuống cấp vào năm 2004.

Sân bay Nà Sản nằm trên quốc lộ 6, cách thành phố Sơn La khoảng 20 km về phía Nam.

Dự án do ACV vừa đề xuất sẽ đầu tư đường cất hạ cánh (CHC) mới tại vị trí trục tim đường CHC hiện tại, kích thước 2.600 x 45 m, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo đón được máy bay A320/321 hoặc tương đương; hệ thống đường lăn, sân đỗ; tín hiệu dẫn đường, khí tượng đồng bộ.

Đối với khu hàng không dân dụng, ACV đề xuất xây dựng nhà ga dạng tuyến tính có diện tích 8.365 m2, đáp ứng công suất 1 triệu hành khách/năm đủ bố trí các khu vực chức năng theo tiêu chuẩn và các khu vực kinh doanh dịch vụ, phục vụ hành khách; nhà điều hành cảng 3 tầng, tổng diện tích 2.817 m2. Sân bay mới cũng sẽ được đầu tư mới hệ thống giao thông kết nối từ Quốc lộ 6 vào cảng hàng không; sân đỗ ô tô; giao thông nội bộ; thoát nước mặt, thoát nước thải và tường rào an ninh khu hàng không dân dụng, cổng ra vào; hệ thống điện.

Liên quan đến công trình quản lý, điều hành bay, ACV đề xuất xây dựng mới đài ATC hiện đại kết hợp với Trung tâm điều hành chỉ huy với điểm nhấn là Đài Kiểm soát không lưu 11 tầng…

Theo tính toán, Dự án này có khái toán tổng mức đầu tư là 2.295 tỷ đồng, trong đó GPMB là 62,8 tỷ đồng, khu bay 1.158 tỷ đồng, khu hàng không dân dụng 878,62 tỷ đồng, nhiên liệu hàng không 47,61 tỷ đồng và quản lý điều hành bay 148 tỷ đồng.

ACV cho biết, do cảng hàng không Nà Sản với chức năng là cảng hàng không nội địa, chi phí đầu tư xây dựng ban đầu rất lớn trong khi lượng khách thông qua là khách trong nước, sản lượng thấp, mức phí dịch vụ thấp nên trong trường hợp có chiết khấu dòng tiền thì các chỉ số tài chính của Dự án là không cao. Trong trường hợp không có chiết khấu, lợi nhuận trước thuế và khấu hao qua các năm được xem xét là khoản thu để bù đắp lại chi phí đầu tư ban đầu cho đến thời điểm thu hồi vốn, khi đó, dự kiến khai thác đến năm thứ 39 là thời điểm Dự án sẽ thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu.

TP.HCM hút 3,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa đưa ra số liệu cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, TP.HCM đã thu hút được 3.21 tỷ USD.

Cụ thể, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 3,21 tỷ USD (tăng 20% so với cùng kỳ).

Trong đó các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 598 dự án. Các dự án nằm nằm chủ yếu ở Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp thành phố cấp 16 dự án; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cấp 01 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 581 dự án Với tổng vốn đầu tư đạt 539,76 triệu USD (tăng 15,8% số dự án cấp mới và tăng 3,6% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Bất động sản vẫn là ngành hút vốn FDI nhiều nhất.

Phân theo ngành nghề,lĩnh vực thì hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (41,8%); tiếp theo Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ là chiếm 21,9%; Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 19,5%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 5,8%; Thông tin và truyền thông chiếm 5,3%.

Số vốn kia đến chủ yếu từ những quốc gia như British Virgin Islands có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (30,3%); tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 26,4%; Nhật Bản chiếm 19,5%; Singapore chiếm 5,4%; Hồng Kông chiếm 3,7%.

Cũng trong 6 tháng qua có 145 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 300,43 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn). So với cùng kỳ, tăng 22,8% số dự án điều chỉnh và bằng 81,6% vốn đầu tư.

Thành phố cũng chấp thuận cho 2.307 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 2,37 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 26,3% về số trường hợp và tăng 32,6% về vốn đầu tư).

Phân theo ngành nghề,lĩnh vực thì hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (23,1%); tiếp theo là Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 19,5%; Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 19,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 14,7%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 6,7%.

Riêng đối với vốn viện trợ phát triển (ODA). Hiện tại, thành phố theo dõi tiến độ 11 dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Thực hiện Kế hoạch vốn ODA đã giao năm 2019 là 199 tỷ đồng và vốn đối ứng là 1.198,303 tỷ đồng, ước giải ngân vốn ODA trong 6 tháng đầu năm 2019 là 99 tỷ đồng (đạt 49,7% so với kế hoạch vốn được giao), vốn đối ứng là 125,054 tỷ đồng (đạt 10,4% so với kế hoạch vốn được giao).

Quảng Ninh muốn triển khai đầu tư nhà ga hàng hóa tại sân bay Vân Đồn

Nhà ga hàng hóa chuyên biệt sẽ sớm được xây dựng tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – Quảng Ninh nhằm thu hút nhiều hơn các hãng hàng không mở đường bay đến sân bay vùng Đông Bắc này.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và hướng dẫn các thủ tục đầu tư để địa phương này và nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện.

Sân bay Vân Đồn được đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2019, Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận chủ trương đầu tư Dự án Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Theo ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng nhà ga hàng hóa sẽ giúp tách biệt khu vực nhập và xuất hàng hóa quốc tế độc lập với khu nhập và xuất hàng hóa nội địa, đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới đây với những chuyến bay thuê chuyến (charter), chuyến bay chuyên vận chuyến hàng hóa với thể tích lớn, hàng hóa lưu trữ dài ngày.

Hiện chưa rõ, quy mô của Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nhưng qua khảo sát UBND tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư ước sản lượng hàng hóa nội địa có thể đạt từ 6.580 – 7.608 tấn/năm và sản lượng hàng hóa quốc tế đạt khoảng 26.000 tấn/năm vào năm 2030.

“Việc xây dựng nhà ga hàng hóa sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn khai thác, kích thích mở đường bay mới từ các nước Châu Á, Châu Âu cũng như tăng hiệu quả khai thác, giảm thời gian hoàn vốn của Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn”, ông Huy cho biết.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vân Đồn là doanh nghiệp dự án với tổng mức đầu tư 7.432 tỷ đồng. Đây là Cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), sân bay quân sự cấp II. Sân bay này có thể đón được các loại máy bay có tải trọng lớn như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320. Công suất nhà ga giai đoạn 1 đạt 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm. Tính đến đầu tháng 7/2019, sân bay đã đón được 128.386 lượt khách đến và đi với hơn 293.010 kg hàng hóa.

Tin liên quan
Tin khác