8 trong số 12 nhà bán lẻ smartphone hàng đầu tới từ Trung Quốc. Hàng loạt những tên tuổi như Huawei, Xiaomi, Vivo và Oppo đã được biết đến với tư cách là những nhà sản xuất điện thoại giá rẻ chất lượng tốt. Tuy nhiên, ngoài những điểm mạnh đó, còn điều gì chúng ta cần bàn đến khi dự định sắm cho mình một thiết bị đến từ những tên tuổi này?
1. Nghiên cứu kỹ thiết bị
Đây dường như là một bước hiển nhiên nhưng trên thực tế bước này phức tạp hơn nhiều. Để bắt đầu, bạn hãy lựa chọn những thương hiệu có tên tuổi và những sản phẩm được nhiều người biết đến, chẳng hạn như Xiaomi Mi5, hay Elephone P9000 và Meizu Pro 6. Điều cần chú ý là những công ty Trung Quốc rất thích các phablet vì vậy bạn sẽ khó có thể tìm được những smartphone màn hình nhỏ từ những hãng này.
2. 4G hay không có 4G?
Mọi người đều muốn chiếc điện thoại của mình có tốc độ kết nối Internet siêu nhanh vì thế nên việc sản phẩm bạn cầm trong tay có kết nối LTE hay không rất quan trọng. Ví dụ như nhiều thiết bị Trung Quốc không hỗ trợ Band 20 vốn được hãng viễn thông O2 tại Anh sử dụng. Tức là bạn sẽ không thể sử dụng Internet 3G hoặc 4G khi sử dụng những chiếc điện thoại này trên các mạng sử dụng băng tần như vậy.
3. Chính sách hỗ trợ phần mềm
Điều tiếp theo cần cân nhắc đó là: Công ty nào làm ra thiết bị. Ví dụ như bạn định mua một chiếc máy của Xiaomi. Mọi thiết bị của hãng này đều chạy trên nền tảng MIUI, một giao diện tùy biến dựa trên nền tảng hệ điều hành Android. Xiaomi thường xuyên cập nhật phần mềm, đưa những phiên bản Android mới tới cho người dùng với tốc độ khá nhanh (mặc dù thiết bị của hãng không được cài sẵn các ứng dụng Google hay Play Store vì thế bạn phải tự cài).
Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng làm được như Xiaomi, vì thế nếu bạn có ý định gắn bó với sản phẩm “made in China” này lâu dài, hãy tìm kiếm những nhà sản xuất có chính sách hỗ trợ phần mềm tốt.
4. Chế độ hậu mãi
Một điểm quan trọng nữa bạn cần cân nhắc trước khi mua smartphone Trung Quốc đó là chế độ hậu mãi. Nếu bạn muốn được hỗ trợ khi sự cố xảy ra với chiếc điện thoại mới của mình, đừng mua những sản phẩm dạng hàng xách tay không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nếu bạn đã trót mua một sản phẩm không có đại diện bảo hành chính thức tại Việt Nam thì đành phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thiết bị đó thôi vì nếu hỏng sẽ không công ty nào hỗ trợ bạn.
5. Lựa chọn nhà bán lẻ
Đây có lẽ là bước quan trọng nhất bởi nếu bạn lựa chọn sai, bạn sẽ phải chịu đựng sản phẩm đó trong một thời gian dài với rất nhiều thất vọng và bức xúc.
Các nhà sản xuất khác nhau lựa chọn các website bán hàng khác nhau. Smartphone của Meizu và Oppo thường được bán trên Amazon (tại Việt Nam bạn cũng dễ dàng mua được các sản phẩm của Oppo qua các nhà bán lẻ trong nước), trong khi đó Xiaomi thường bán các thiết bị của mình trên những trang như AliExpress và GearBest.
Nếu có thể, tốt nhất hãy lựa chọn những thiết bị được bán bởi các đại lý gần khu vực bạn sinh sống. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý những cửa hàng nào nhận được nhiều lời bình luận xấu của cộng đồng thì nên cân nhắc.
6. ROM
Do một số hạn chế về tường lửa tại Trung Quốc, hầu hết các smartphone Trung Quốc không được cài những bộ ứng dụng sẵn có của Google. Thay vào đó, các thiết bị này đều chạy những gói phần mềm tùy biến (ROM) trên nền lõi của Android.
Nhưng bạn cũng không cần phải lo lắng quá. Bạn hoàn toàn có thể tải những bản ROM quốc tế hỗ trợ tiếng Anh về sử dụng trên Google Play. Nhiều nhà bán lẻ cũng cho phép bạn chuyển sang sử dụng ROM quốc tế nhưng hãy cẩn thận với điều này bởi thiết bị đó có thể bị cài malware khi chuyển đổi ROM.
Hãy lựa chọn những thiết bị có khả năng mở khóa bootloader. Tốt hơn là nên mua một chiếc điện thoại có khe cắm thẻ nhớ và kiểm tra xem bản ROM quốc tế có sẵn không.
7. Cần cân nhắc về những mối lo an ninh
Đây là điều không quá mới mẻ. Giữa tháng 11/2015, hãng bảo mật Cheetah Mobile Security Lab tuyên bố phát hiện Trojan đặc biệt nguy hiểm mang tên Cloudsota bị cài đặt sẵn trên ít nhất 30 loại thương hiệu máy tính bảng Trung Quốc từ các nhà sản xuất ít tên tuổi. Các chuyên gia bảo mật ước tính có khoảng 17.233 tablet nhiễm Cloudsota đang được bán trên hệ thống Amazon ở Anh, Mỹ, Đức, Ý và Tây Ban Nha.
Một sự kỳ thị rõ ràng với những công ty sản xuất điện thoại Trung Quốc đó là: Tất cả những hãng này đều để cho chính phủ theo dõi dữ liệu người dùng. Dù điều này có thật hay không, nếu bạn là một người cực kỳ coi trọng vấn đề riêng tư và bảo mật, chắc chắn đây là một yếu tố bạn cần cân nhắc.