Báo cáo Kết quả công tác quản lý và phát triển sự nghiệp du lịch tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2024 của Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tháng 7/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,52 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 425,5 nghìn lượt khách, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 300.000 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 2,10 triệu lượt khách, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.247 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023.
7 tháng đầu năm 2024, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 63.602 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Hồng Hạnh |
Dự kiến trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16,44 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,43 triệu lượt khách, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 2,42 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 13,01 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 63.602 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 7/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 58,57%, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hà Nội hiện có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 606 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với tổng số 26.641 phòng.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phuc vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.
Về công tác cấp phép và giải quyết thủ tục hành chính, trong tháng 7/2024, Sở Du lịch Hà Nội đã nhận 500 hồ sơ, đã giải quyết xong 425 hồ sơ, 75 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết. Thẩm định 555 hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch trong đó gồm: 478 hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 57 hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, 20 hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm và 17 hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại, chấm dứt hoạt động giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Về hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên, tính đến ngày 18/7/2024, trên địa bàn Hà Nội có 1.788 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 430 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 8 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 5.890 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.257 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 115 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động.
Về công tác xây dựng sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn Hà Nội”.
Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức - Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.
Phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như: nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…
Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.
Hiện nay, nhiều điểm đến du lịch trên địa bàn Thủ đô đã xây dựng hệ thống vé điện tử phục vụ khách tham quan như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, đền Quán Thánh…
Tháng 8/2024, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-UBND ngày 25/4/2024 của UBND TP. Hà Nội về việc đổi mới mô hình tổ chức, phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội; hoàn thiện thiện dự thảo báo cáo Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo Quyết định của UBND TP về việc ban hành "Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp TP" theo quy định.
Đồng thời, tham mưu Báo cáo đánh giá kết quả triển khai Quyết định số 3928/QĐUBND ngày 13/8/2021 của UBND Thành phố gắn với bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường tại khu, điểm du lịch năm 2024. Tổ chức các chương trình sự kiện: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024; chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội năm 2024; chuỗi hoạt động chuyên đề (Lễ hội) sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử Hà Nội; hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024.
Tập trung xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025 (theo Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND TP); triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số theo Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND TP; Kế hoạch số 82/KH-SDL ngày 17/6/2024 về xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước. Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội…