Tiêu dùng
8 tháng năm 2021: Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 32 tỷ USD
Hạnh Nguyên - 07/09/2021 08:03
Trong 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái…

Nhiều mặt hàng nông sản giá giảm

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8, giá lúa gạo giảm, lúa IR50404 giảm 500 đồng/kg, còn 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451 giảm 300 đồng/kg còn 5.000 đồng/kg nhưng gạo thường tăng 500 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg.

Giá Cà phê tăng cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới; cà phê vối nhân xô ở mức 36.900-37.800 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg.

Giá mủ cao su thiên nhiên dạng nước tại Bình Phước tăng nhẹ nhưng ổn định tại Đắk Lắk.

Giá chè búp khô (chè đinh) hiện giữ ở mức 2,5 triệu đồng/kg; giá chè móc câu 200.000 đồng/kg, giảm 80.000 đồng/kg; giá chè nõn 400.000 đồng/kg, giảm 190.000 đồng/kg so với tháng trước.

Giá Hồ tiêu tăng 4.000-4.500 đồng/kg xuống mức 76.000-79.500 đồng/kg.

Giá điều khô giảm 500-1.000 đồng/kg xuống còn 30.500-32.000 đồng/kg.

Giá cả một số loại quả có giá giảm như sầu riêng, nhãn, bơ bởi nguồn cung tăng vào thời điểm thu hoạch; một số loại quả khác như mít Thái, xoài, thanh long và chôm chôm lại tăng giá do sắp đến hết vụ (mít 33.000 đồng/kg, thanh long đỏ tăng lên 20.000 đồng/kg; thanh long trắng là 15.000 đồng/kg).

Giá cá tra nguyên liệu trong tháng chững lại ở mức khoảng 21.500-22.000 đồng/kg cho cá size 850-1,1kg. Tôm sú dao động từ 140.000-200.000 đồng/kg, tôm thẻ ướp đã dao động 70.000-112.000 đồng/kg tùy loại và size.

Giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 1.000 đồng/kg, dao động khoảng 54.000-57.000 đồng/kg; miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000-3.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 53.000-55.000 đồng/kg; miền Nam giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 52.000 - 56.000 đồng/kg.

Giá các sản phẩm gia cầm giảm từ 6.000 - 7.000 đồng/kg và ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg tùy loại, giá trứng gà giảm 100 – 500 đồng/quả, dao động ở mức 1.700 – 2.200 đồng/quả.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng sụt giảm mạnh

8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu (NK) ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%; xuất siêu khoảng 3,3 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất nhập khẩu từng loại nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm.

Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 8, kim ngạch XK ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 07/2021. So với tháng 7/2021, chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng là sắn và sản phẩm từ sắn (+26,6%), sản phầm từ ngũ cốc (+1,1%), sữa và sản phẩm sữa (+0,8%) còn lại đều giảm mạnh về giá trị xuất khẩu.

Giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ (-50,2%), cá tra và tôm (-29,7%), rau củ (-25,8%), phân bón (-23,6%), hồ tiêu (-21,5%),…

Nguyên nhân chính do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều DN/nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu, nhiều DN/nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với CKNT . Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.

Dù tháng 8, giá trị XK của hầu hết các mặt hàng đều giảm, nhưng do những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, nhiều sản phẩm/ nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…

Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể: Cao su (+23,3% khối lượng, +61,4% giá trị), hạt điều (+19,2%, +15,1%), sắn và sản phẩm từ sắn (+13,4%, +28,4%). Riêng hồ tiêu dù khối lượng XK giảm (đạt 200 nghìn tấn, giảm 1,3%) nhưng nhờ giá XK bình quân tăng nên giá trị XK vẫn tăng (đạt 666 triệu USD, tăng 50,2%) hay cà phê dù khối lượng giảm 6,9% nhưng giá trị XK vẫn tăng nhẹ 1,1%.

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi (+15,9%), cá tra (+9,9%), tôm (+7,7%); sản phẩm gỗ (+45,4%), mây, tre, cói thảm (+68,1%); quế (+36,6%). 2 mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu dù giá xuất khẩu bình quân tăng, gồm: Gạo (-14,8% và -6,8%), chè (-6,0% và -1,6%).

Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng nhiều mặt hàng tăng: Hồ tiêu đạt 3.327,4 USD/T (+51,4%), cao su đạt 1.670,7 USD/T (+30,9%), gạo đạt 535,3 USD/T (+9,4%), cà phê đạt 1.858,5 USD/T (+8,6%), sắn đạt 256 USD/T (+13,2%), chè đạt 1.669,4 USD/T (+4,7%). Riêng giá XK hạt điều đạt 6.172,6 USD/T (-3,5%)

Thị trường xuất khẩu: Ước giá trị XK nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 41,5% thị phần), châu Mỹ (31,3%), châu Âu (11,3%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%).

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71,0% tỷ trọng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỷ trọng kim ngạch XK NLTS; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt trên 2,2 tỷ USD (chiếm 6,8%) và XK nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 43,0% giá trị XK nông lâm thủy sản); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 1,4 tỷ USD (chiếm 4,3%) và XK nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,2% giá trị XK NLTS);

Về nhập khẩu, 8 tháng đầu năm, kim ngạch NK các mặt hàng NLTS ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 57,7%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 6,6%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 19,3%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 38,3%; nhóm đầu vào sản xuất gần 5,0 tỷ USD, tăng 36,0%.

Campuchia là thị trường XK nông sản xuất sang Việt Nam lớn nhất đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10,0% thị phần (trong đó mặt hàng điều chiếm 72,2% giá trị); tiếp theo là Hoa Kỳ đạt trên 2,7 tỷ USD, chiếm 9,3% (mặt hàng bông chiếm 36,3% tỷ trọng).

Tin liên quan
Tin khác