| ||
Nhiều đoạn dường vành đai 5 sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô 6 làn xe |
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại tờ trình phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội vừa được Bộ Giao thômg - Vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, đường vành đai 5 đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành phố.
Cụ thể, tại Hà Nội gồm Thị xã Sơn Tây và 5 huyện Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa.
Tại Hòa Bình là Lương Sơn; tại Hà Nam là Tp. Phủ Lý và 4 huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân).
Tại Thái Bình là 2 huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ.
Tại Hải Dương là TP. Hải Dương, Thị xã Chí Linh và 4 huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Hà, Nam Sách);
Tại Bắc Giang gồm 4 huyện Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên.
Tại Thái Nguyên gồm TP. Thái Nguyên, Thị xã Sông Công và 3 huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ
Tại Vĩnh Phúc gồm TP. Vĩnh Yên, Thị xã Phúc Yên và 4 huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường.
Được biết, ngoại trừ đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam và hầm chui Tam Đảo nối Thái Nguyên với Vĩnh Phúc còn ý kiến khác nhau, Bộ GTVT đã cơ bản thống nhất với các địa phương về phương án tuyến.
Cụ thể, đoạn qua TP. Hà Nội dài khoảng 48 km, bắt đầu từ vị trí cầu Vĩnh Thịnh (Thị xã Sơn Tây); đoạn qua Hòa Bình dài 35,35 km; đoạn qua tỉnh Hà Nam dài 35,3 km; đoạn qua tỉnh Thái Bình dài khoảng 28,5 km; đoạn qua tỉnh Hải Dương dài 52,7 km; đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài 51,3 km; đoạn qua tỉnh Thái Nguyên dài 28,3 km; đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc dài 51,52 km.
Như vậy, tổng chiều dài toàn tuyến đường vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm 44 km, đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ long, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên).
Theo đề xuất của Bộ GTVT, các đoạn tuyến đường vành đai 5 sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc hoặc đường cấp II với quy mô từ 4 - 6 làn xe.
Dự kiến, trên tuyến sẽ xây dựng 2 hầm nhỏ tại Hòa Bình và 15 cầu lớn, 42 cầu trung và 45 cầu nhỏ được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.
Ước tính, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến của Quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 khoảng 85.561 tỷ đồng (theo thời giá năm 2013), trong đó giai đoạn trước năm 2020 cần 19.760 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2030 cần khoảng 32.175 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2030 cần 33.626 tỷ đồng.
Do nhu cầu vốn lớn, nên ngoài nguồn vốn ngân sách, Bộ GTVT dự kiến sẽ huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước theo hình thức BT, BOT, PPP.
Trong giai đoạn trước mắt, Bộ GTVT sẽ huy động vốn ngân sách, ODA để đầu tư một số đoạn tuyến trước năm 2020 để bảo đảm thông tuyến, hình thành tuyến vành đai 5. Giai đoạn từ năm 2020 - 2030 sẽ xây dựng toàn tuyến theo quy hoạch đường vành đai 5, quy mô tối thiểu 4 làn xe đường cao tốc và đường ô tô cấp II. Giai đoạn ngoài 2030 sẽ xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.
Với quy mô xây dựng như trên, tổng diện tích đất chiếm dụng của đường vành đai 5 sẽ lên tới 1.532 ha, trong đó đoạn qua khu vực Hà Nội cần khoảng 260 ha.
Theo các quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô, Quy hoạch mạng lưới GTVT, đường vành đai 5 có vai trò quan trọng nhằm liên kết các đô thị lân cận Thủ đô Hà Nội và tạo động lực phát triển cho cả khu vực Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du phía Bắc.
Anh Minh