Số ca mắc Covid-19 từ thời điểm đó đến nay đã là 131 ( 121 ca được Bộ Y tế công bố sáng ngày 7/5 và 10 ca tại Bệnh viện K vừa được phát hiện trưa ngày 7/5).
Nhiều cơ sở y tế đã bị phong toả vì có ca bệnh Covid-19. |
Điều đáng lo ngại của đợt dịch lần này là đã có 7 bệnh viện lớn phải cách ly do có nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mắc Covid-19
7 cơ sở lần lượt là Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện Hoàn Mỹ, TP.Đà Nẵng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Quân y 105 và cả 3 cơ sở của Bệnh viện K; Bệnh viện phổi Lạng Sơn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Ngược thời gian về các đợt dịch trước chúng ta đã chứng kiến một số bệnh viện trở thành ổ dịch nghiêm trọng khiến công tác phòng chống dịch bệnh trở nên khó khăn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.
Một số bệnh viện tư nhân như phải tạm đóng cửa để khắc phục do không đảm bảo các yếu tố an toàn phòng chống dịch như Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Bệnh viện Mắt HiTec và Bệnh viện Mắt Việt Nhật…
Việc “để lọt” bệnh nhân Covid-19 ra cộng đồng là bài học nhãn tiền mà một số cơ sở y tế đã mắc phải trong đợt dịch vừa qua.
Theo đó, một số bệnh nhân Covid-19 trước khi được xét nghiệm dương tính đã đi khám với các dấu hiệu nghi ngờ nhưng đã bị một số bệnh viện “để lọt”. Bệnh nhân sau đó tiếp tục di chuyển trong cộng đồng và đến nhiều cơ sở y tế khác gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Để phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế lần này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19 theo quy định.
Các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện và phòng khám an toàn. Kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động cũng cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.
Các cơ sở này, định kỳ xét nghiệm nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly, cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh chịu ảnh hưởng nặng khi nhiễm Covid-19 gồm người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm...
Về kê đơn thuốc, với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1-3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.
Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cho bệnh nhân Covid-19 xuất viện phải thông báo cho Sở Y tế các tỉnh, TP nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định hiện hành.
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke...