Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng qua, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 84 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 244,8 triệu USD, giảm 29,5% so với cùng kỳ; và có có 18 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 171,96 triệu USD, gấp 3,38 lần so với cùng kỳ.
Như vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng các doanh nghiệp Việt đã rất nỗ lực đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới.
Trong số các doanh nghiệp Việt, FPT là một trong những doanh nghiệp thời gian gần đây có nhiều động thái quan trọng. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, FPT đã công bố đầu tư vào Mỹ, bắt tay với LandingAI - công ty tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Hoa Kỳ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.
FPT hợp tác với Công ty Silvaco để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này |
Còn trong chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, FPT đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco (Mỹ) để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu, với 26 dự án đầu tư mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 150,64 triệu USD, chiếm 36,1% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Ngành thông tin truyền thông đứng thứ hai, với hơn 114,35 triệu USD, chiếm 27,4%; tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo…
Ở góc độ đối tác, có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023. Dẫn đầu là Canada với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 150,2 triệu USD, chiếm 36% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba…
Như vậy, lũy kế đến ngày 20/9/2023, Việt Nam đã có 1.667 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm 52,8% tổng vốn đầu tư cả nước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Campuchia (13,3%); Venezuela (8,3%)…