Vị trí quán quân lợi nhuận của Vietcombank không có đối thủ |
Thu nhập tăng nhanh, dự phòng giảm mạnh
Ba nguyên nhân khiến Vietcombank có được mức lợi nhuận kỷ lục 9 tháng đầu năm là tổng thu nhập lãi thuần tăng gần 27% song chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 6% và trích lập dự phòng 9 tháng giảm so với cùng kỳ.
Trong quý 3/2019, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 8.859 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lãi dịch vụ tăng 43% lên 1.278 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 59% lên 907 tỷ đồng. Lĩnh vực mua bán chứng khoán kinh doanh lãi gần 32 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 170 tỷ đồng), lãi từ hoạt động khác tăng 35% lên 883 tỷ đồng…
Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 25.937 tỷ, tăng 27%. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 30% (đạt 3.423 tỷ đồng), từ kinh doanh ngoại hối tăng 57,6% (đạt 2.535 tỷ đồng).
Một số lĩnh vực suy giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái là: Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh (giảm 63%), chứng khoán đầu tư (51,6%), góp vốn mua cổ phần (giảm 60% do không có hoạt động thoái vốn như năm ngoái)… Tuy nhiên, do các lĩnh vực này chiếm cơ cấu không lớn trong tỷ trọng tổng thu nhập của ngân hàng nên lợi nhuận chung của ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh.
Tổng thu nhập 9 tháng của ngân hàng đạt hơn 35.000 tỷ, tăng 22,6% so với cùng kỳ, chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 6% lên 12.633 tỷ cộng với chi phí dự phòng giảm đã khiến lợi nhuận Vietcombank tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Tính đến cuối tháng 9/2019, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 17.612 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành gần 86% kế hoạch lơi nhuận cả năm (20.500 tỷ đồng).
Nếu tốc độ tăng trưởng này được duy trì, hết năm nay, Vietcombank sẽ là ngân hàng đầu tiên cán mốc lợi nhuận 1 tỷ USD. Trước đó, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng này đặt mục tiêu chiến lược lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025.
Nợ xấu nhóm 3 tăng gần 1.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến 30/9/2019, huy động tiền gửi của Vietcombank tăng 13%, đạt hơn 902 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay gần 694 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2018.
Tuy thị phần cho vay nhỏ hơn rất nhiều so với Agribank, VietinBank và BIDV song do giá vốn rẻ (cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn chiếm tới 25%), cộng với gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro thấp, Vietcombank vẫn có lợi nhuận khủng từ hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, cho vay tăng trưởng mạnh cũng khiến nợ xấu của ngân hàng này tăng theo. Tại thời điểm 30/9/2019, nợ xấu tuyệt đối của ngân hàng này 7.625 tỷ đồng, tăng 1.402 tỷ (tương đương tăng 22,5%) so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 291 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 1.240 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng). Nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5 chỉ tăng nhẹ.
Xét về tỷ trọng, nợ xấu của Vietcombank chỉ chiếm 1,07% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức gần 1% hồi đầu năm. Với tỷ lệ này, Vietcombank vẫn nằm trong tỷ lệ ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hệ thống. Với con số trích lập dự phòng khủng hiện nay, nợ xấu của Vietcombank không phải là vấn đề đáng ngại.
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Vietcombank đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% so với hồi đầu năm.
Hiện tại, không chỉ dẫn đầu về lợi nhuận, Vietcombank còn là ngân hàng trả lương cao nhất hệ thống. Thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng này hiện ở khoảng hơn 30 triệu đồng/người/tháng.