Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, lượng kiều hối về Việt Nam thông qua các ngân hàng trên địa bàn vẫn tăng trưởng tích cực, kể cả trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, kiều hối chảy về khu vực TP.HCM đạt 5,1 tỷ USD. Dự báo, doanh số chi trả kiều hối của các ngân hàng và công ty chi trả kiều hối gửi về cho NHNN-TP.HCM trong 2 tháng cuối quý III/2021 còn cao hơn cả dự kiến.
Dự báo trong năm 2021, lượng kiều hối về TP.HCM sẽ vượt con số 6,5 tỷ USD như dự kiến đưa ra ban đầu, tăng hơn 6,5% so với năm 2020 (6,1 tỷ USD). Như vậy, đến cuối tháng 9, lượng kiều hối đổ về thành phố đã đạt trên 70% con số dự báo trên và với kết quả đạt được trong 2 tháng cuối quý III mà các ngân hàng gửi về vẫn tăng.
Trong những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều theo từng năm. Theo đó, lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỷ USD.
Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người.
Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, từ khoảng 500.000 người những năm 2010 đến nay tăng lên khoảng 580.000 người.
Cụ thể, tại Đài Loan có 230.000 người; Nhật Bản có gần 230.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; Malaysia và các nước Đông Nam Á khoảng 30.000 người; khu vực Trung Đông – châu Phi và châu Âu mỗi nơi khoảng 15.000 người, còn lại ở các nước khác.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), Việt Nam duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên trong nửa đầu năm và nhận định lượng kiều hối của Việt Nam năm nay sẽ không suy giảm so với 2020.
Năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt con số tích 17,2 tỷ USD. Con số này vượt ngoài dự đoán của của WB đưa ra vào tháng 11/2020 tại Báo cáo Di cư và Kiều hối với dự báo lượng kiều hối năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP.
Năm nay, WB ước tính lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng vẫn còn phụ thuộc vào tác động của Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh của các nước.
Trong những năm qua, tỷ giá được kiểm soát ổn định, lãi suất tiền gửi USD còn 0%, nhưng lãi suất tiết kiệm tiền đồng luôn cao nên người nhận kiểu hối chủ yếu chuyển sang VND để gửi tiết kiệm.
Nguồn cung- cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định. SSI Research kỳ vọng cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm và dòng kiều hối thường sẽ tăng mạnh trong cuối năm.