Doanh nghiệp
99% doanh nghiệp nhỏ và vừa không mong trở thành "đại gia"
Anh Trung - 06/01/2016 16:41
Đây là đánh giá được ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đưa ra tại Hội thảo "Tham vấn Kế hoạch phát triển DNNVV 2016-2020" tổ chức sáng nay (6/1), tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Nam cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện nay chưa đáp ứng đúng với mong muốn của DNNVV, trong 100 doanh nghiệp được Hiệp hội tiến hành khảo sát có đến 99 doanh nghiệp không có nhu cầu trở thành doanh nghiệp lớn. Vì vậy, chính sách hỗ trợ cần phải có sự nghiên cứu kỹ hơn, để xem hỗ trợ theo hướng phát triển mạnh hay duy trì và ổn định các DNNVV.

Lý giải thực trạng doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn, theo ông Nam, DNNVV ở Việt Nam được thành lập đại đa số coi la công cụ để thoát nghèo, "do vậy họ không mong muốn điều gì to tát mà chỉ cần chính sách ổn định để tạo yếu tố bền vững cho doanh nghiệp", ông Nam nói.

Một lý do nữa được ông Nam đưa ra là các chính sách hỗ trợ được ban hành ra trong 5 năm qua thì nhiều, nhưng chưa thực sự hiệu quả, DNNVV khó có thể thụ hưởng để phát triển. Đối với DNNVV tiếp cận được chính sách hỗ trợ thì họ lại càng không muốn "lớn", để có thể "kéo dài thời gian" và tận dụng triệt để những chính sách hỗ trợ này.

Vì vậy, ông Nam đề xuất cần phải có một quy trình chuẩn theo hướng tập trung chính sách mũi nhọn, tránh việc dàn trải, mệnh ai nấy làm như các chương trình, dự án các Bộ, ngành đang thực hiện hiện nay. Đồng thời từ nay đến khi Luật hỗ trợ DNNVV được ban hành, khi mà chưa có quy trình chuẩn và các chính sách còn chung chung, cần quy định cụ thể đối tượng thụ hưởng trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là DNNVV, tránh tình trạng "ông lớn" át "ông bé".

Cũng tại Hội thảo, GS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ tham vấn rằng, hiện tại các chính sách hỗ trợ DN của Việt Nam đang tập trung nhiều để phát triển nguồn "cung".

Theo GS. Ngọc Anh, để có thể phát triển ổn định và bền vững, Việt Nam cũng cần phải đặc biệt lưu ý phần "cầu", đó chính là thị trường đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Ông cho rằng thị trường tốt nhất cho các DNNVV hiện nay là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đứng đầu là các tập đoàn xuyên quốc gia, vì vậy, Việt Nam cũng cần có chính sách ưu đãi nhất định đối với những "người khổng lồ" này.

GS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana Hoa Kỳ, trình bày tham vấn tại Hội thảo

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận nhiều tại hội thảo, đó là vấn đề vốn đối với cá nhân muốn khởi sự kinh doanh. Để đạt được mục tiêu Việt Nam sẽ có khoảng 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đây một bài toán theo các đại biểu cần phải giải quyết sớm.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bản thân việc khởi sự kinh doanh đã chứa đựnng yếu tố rủi ro, trong khi đó với các chính sách ngân hàng hiện nay là hạn chế càng nhiều rủi ro càng tốt, vì vậy việc tiếp cận vốn chính ngạch khá khó khăn. Thời điểm này rất cần sự ra đời của các Quỹ đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tiến hành xây dựng hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thừa nhận và tiếp thu việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng là khó khăn. Tuy vậy, vị đại biểu này lại tỏ ra lăn tăn với các Quỹ Đầu tư mạo hiểm khi đặt câu hỏi nguồn tiền từ đâu sẽ đổ vào các Quỹ này.

"Đây như là câu chuyện con gà và quả trứng, ở các nước phát triển, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh, thì nguồn tiền đổ vào các quỹ này càng nhiều, nhưng đối với nước đang phát triển như Việt Nam, thì nguồn tiền cho các Quỹ đầu tư mạo hiểm huy động thế nào còn là một câu hỏi lớn".

Tin liên quan
Tin khác