Ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng giám đốc ABBANK cho biết, năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, hiệu quả hoạt động của ABBANK vẫn ghi nhận sự phát triển ổn định khi hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng... Vậy kế hoạch đặt ra cho năm 2022 của ABBANK ra sao? Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Quân về vấn đề này.
Phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19 và hy sinh lợi nhuận hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch, song kết quả kinh doanh năm qua của ABBANK vẫn đạt mức khả quan. Làm thế nào để Ngân hàng có thể vượt qua và đạt được kết quả tích cực, thưa ông?
Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có sự chuyển biến đặc thù dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Tại ABBANK, đã có 13.095 tỷ đồng tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch tính đến hết tháng 12/2021, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng.
Song song với áp lực hoàn thành các chỉ tiêu, năm 2021, ABBANK tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bằng nhiều hình thức. Tính tới 31/12/2021, tổng số khách hàng được áp dụng chính sách hỗ trợ là 2.567 khách hàng, trong đó 705 khách hàng được cơ cấu giữ nhóm nợ và 1.862 khách hàng được hạ lãi suất. Tổng số tiền lãi ABBANK đã giảm cho khách hàng gần 33 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản đạt 120.862 tỷ đồng, tương đương 104% so với 2020; Tổng huy động từ khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế đạt 79.255 tỷ đồng, bằng 101% so với 2020; Tổng dư nợ tín dụng đạt 78.640 tỷ đồng, bằng 113% so với 2020; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng, tăng 45% so với 2020.
Bên cạnh đó, thu nhập từ lãi thuần đạt 3.038 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020; thu từ phí dịch vụ đạt 372 tỷ đồng, tăng 78% so với 2020; Nợ xấu trên tổng dư nợ được kiểm soát chặt chẽ dưới 2%; Tổng số nợ xấu thu hồi đạt 1.970 tỷ đồng, vượt 19% so với kế hoạch; Năng suất lao động bình quân đạt 511 triệu đồng/người/năm, tăng 42% so với 2020.
Chi phí hoạt động của ngân hàng năm 2021 cắt giảm hơn 336 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm và chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR - Cost to Income Ratio) năm 2021 được cải thiện về mức 40,7% từ mức 50,1 % của năm 2020.
Có thể nói, mặc dù phải chịu tác động tiêu cực, hiệu quả hoạt động của ABBANK ghi nhận sự phát triển khá ổn định khi hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế nhờ vào việc tăng năng suất lao động bình quân/đầu người và giảm chi phí hoạt động. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực số hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản trị và vận hành.
Vào ngày 20/4 tới, ABBANK sẽ họp cổ đông thường niên tại Hà Nội để thông qua kế hoạch kinh doanh 2022. Ông có thể chia sẻ mục tiêu hoạt động của Ngân hàng trong năm nay?
Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2021, chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 được HĐQT ABBANK dự trình đại hội cổ đông như sau: Tổng tài sản đạt 138.250 tỷ đồng (tăng 14% so với 2021); Vốn chủ sở hữu dự kiến đạt 14.093 tỷ đồng (tăng 21% so với 2021); Huy động từ khách hàng cá nhân và các tổ chức kinh tế đạt 94.081 tỷ đồng (tăng 19% so với 2021); Dư nợ tín dụng sẽ thực hiện theo đúng phê duyệt tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng ở mức 17%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 3.079 tỷ đồng; thu từ dịch vụ đạt 1.482 tỷ đồng; Tỷ trọng CASA bình quân trên tổng huy động bình quân đạt 18%, tăng 12 % so với năm 2021, Năng suất lao động bình quân đầu người đạt 733 triệu đồng/người/năm, tăng 44% so với năm 2021. Số lượng nhân sự dự kiến tăng lên 4.200 người. Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu mức dưới 3% tổng dư nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch tháng 6/2022 sẽ giải quyết hết nợ tại VAMC.
Nhiệm vụ trọng tâm của ABBANK năm 2022 và định hướng trung hạn đến hết năm 2025 là tiếp tục nâng cao năng lực dịch vụ, phát triển sản phẩm chuyên biệt và tinh thông sản phẩm đại trà để nâng số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ, tăng số lượng sản phẩm được sử dụng trên 1 khách hàng, bảo đảm chất lượng tài sản và chủ động phòng tránh rủi ro để tăng trưởng bền vững; chủ động ứng phó với tình huống rủi ro như khủng hoảng, dịch bệnh, thiên tai; phát huy hiệu quả công tác thu hồi nợ xấu đã đạt được trong những năm qua, nâng cao hình ảnh của Ngân hàng và đạt được các chỉ tiêu tài chính đề ra.
Cơ sở nào để Ngân hàng có thể đạt được kế hoạch kinh doanh đưa ra cho 2022, thưa ông?
Theo dự báo, 2022 vẫn sẽ là một năm kinh doanh khó khăn nhưng không phải là không có các tín hiệu tăng trưởng khả quan. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt từ 6-6,5% và nhu cầu tăng trưởng dư nợ để phục hồi kinh tế sau dịch là rất lớn.
ABBANK đã cân nhắc kỹ các yếu tố thuận lợi của thị trường lẫn sự chuẩn bị kỹ lưỡng năng lực cạnh tranh từ bộ máy để đặt ra các chỉ tiêu thách thức. Khởi động năm 2022, ABBANK cũng đã hoàn thành quá trình tăng vốn lên gần 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn lực tài chính vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư cho công nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh cho đội ngũ và hệ thống. Dự kiến, ABBANK sẽ có thêm một đợt tăng vốn nữa trong năm 2022, đưa vốn điều lệ đạt 10.400 tỷ đồng.
Với tôn chỉ “Khách hàng là trọng tâm”, ABBANK đang triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp hành động nhằm bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn huy động trung dài hạn với chi phí hợp lý để phục vụ các nhu cầu của khách hàng, tập trung khai thác sâu các nhóm khách hàng mục tiêu, nâng cao năng lực bán hàng của đội ngũ để gia tăng doanh thu.
Ngoài ra, ABBANK cũng đã và đang liên tục có những chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ tối ưu để tăng nguồn thu ngoài lãi dựa trên thành quả của chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của hầu hết các ngân hàng. Tại ABBANK, chiến lược chuyển đổi số trong năm 2022 có điểm gì nổi bật?
Chuyển đổi số không chỉ góp phần gia tăng doanh thu và số lượng khách hàng mà còn tối ưu chi phí hoạt động cho Ngân hàng thông qua quá trình số hóa các quy trình vận hành của Ngân hàng. Xác định chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược nhằm nâng cao sức hút cho thương hiệu, ABBANK tập trung mạnh mẽ vào các dự án đầu tư số hóa sản phẩm dịch vụ và hoạt động tài chính ngân hàng.
Theo báo cáo đánh giá hiện trạng công nghệ của ABBANK do McKinsey thực hiện năm 2021, ABBANK có hệ thống ngân hàng lõi ổn định với hệ thống T24, các năng lực API (Application Programming Interface) mới và các phương pháp, công cụ tốt đảm bảo an ninh mạng.
ABBANK cũng điều hành hoạt động Công nghệ Thông tin cực kỳ tinh gọn và hiệu quả so với các công ty cùng ngành. Dựa trên những thành quả đó, ABBANK sẽ tiếp tục đầu tư cho số hóa và chuyển nó thành công cụ kinh doanh hiệu quả, hướng tới các mục tiêu đã đề ra.
Năm 2022, chiến lược chuyển đổi số của ABBANK tiếp tục hướng tới trải nghiệm hoàn hảo của khách hàng, từ đó thu hút và giữ chân khách hàng, gia tăng cơ hội khai thác các sản phẩm dịch vụ.
Cụ thể, ABBANK sẽ triển khai các dự án trọng điểm như: Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), Dự án Digital Platform (Omni-channel), Dự án Hệ thống Kế toán tài chính (GL và Fixed Asset), Phần mềm định giá tài sản, Phần mềm xử lý nợ, Dự án Quản lý định danh - IDM, Dự án triển khai hệ thống VTM, Enterprise Resource Planning (ERP)…
Và chuyển đổi số cũng sẽ đem đến nhiều thay đổi trong cách vận hành bộ máy của các tổ chức. ABBANK có những điều chỉnh nào để phù hợp?
Không chỉ có chuyển đổi số đòi hỏi phải tái cấu trúc bộ máy cấp bách, mà chính các mục tiêu đầy sức nặng của giai đoạn kinh doanh chiến lược 2021-2025 cũng khiến cho ABBANK cần thực hiện ngay việc tái cấu trúc để đáp ứng kịp thời.
Tại ABBANK, thời gian qua lãnh đạo Ngân hàng cùng toàn thể cán bộ nhân viên đã đồng lòng thực hiện nhiều thay đổi mang tính cốt lõi và triển khai nhiều hành động ở quy mô toàn hệ thống để đáp ứng các nhu cầu thay đổi.
Theo Cơ cấu Tổ chức mới ban hành từ đầu năm nay, bên cạnh sắp xếp lại cách tổ chức vận hành các Khối, Phòng, Ban đã có, ABBANK thành lập thêm hai Khối mới là (1) Khối Bán hàng và dịch vụ để hỗ trợ Đơn vị kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyên môn hóa hoạt động bán hàng của lực lượng bán; (2) Khối Chiến lược Phát triển thực hiện các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quản lý thực thi chiến lược và quản trị các dự án chiến lược của Ngân hàng.
Hai khối mới có vai trò quan trọng trong công tác vận hành của toàn hệ thống, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị Hội sở và các Đơn vị kinh doanh trong điều kiện mới.
Bên cạnh việc thay đổi cơ cấu tổ chức, ABBANK cũng đã thay đổi, tinh chỉnh những yếu tố không còn phù hợp và xây dựng nên 5 giá trị cốt lõi mới. Theo đó, bộ giá trị cốt lõi mới của ABBANK bao gồm: (1) Khách hàng là trọng tâm; (2) Nhân sự là tài sản; (3) Cộng tác cùng phát triển; (4) Linh hoạt và thích ứng; (5) Kỷ luật để chiến thắng.
Năm giá trị cốt lõi này hướng đến các yếu tố tiên quyết về Khách hàng, đề cao vai trò của cán bộ nhân viên trong tổ chức cũng như xây dựng các “từ khóa” trong hành động để đạt được các mục tiêu chiến lược nêu trên, đó là: Cộng tác, Linh hoạt, Thích ứng và Kỷ luật.
Điều chỉnh để thích ứng và thay đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển. ABBANK đã có tư duy thay đổi, đã chọn được chiến lược hành động, vấn đề còn lại trong thời gian tới là thực thi kế hoạch.
Vâng xin cảm ơn ông. Chúc ABBANK sớm gặt hái được nhiều thành công