Y tế - Sức khỏe
Adenovirus khiến nhiều trẻ tử vong nguy hiểm thế nào?
D.Ngân - 16/09/2022 14:02
Theo chuyên gia y tế, Adenovirus virus là virus đường hô hấp, thường gây bệnh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết đây là virus đường hô hấp, thường gây bệnh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ. 

Theo chuyên gia y tế Adenovirus virus là virus đường hô hấp, thường gây bệnh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ.

Virus này đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây chứ không phải mới. Ngoài gây bệnh đường hô hấp, Adenovirus cũng là tác nhân gây ra những đợt dịch đau mắt đỏ. Các bác sĩ nhi khoa và hô hấp đều quen thuộc với virus này. 

Adenovirus cùng các virus khác như RSV (virus hợp bào), cúm là các virus lưu hành quanh năm, tùy theo điều kiện mà lây bệnh cho người ít hay nhiều.

Theo bác sĩ Khanh, sở dĩ virus này tăng đột biến có thể do điều kiện xét nghiệm. Các ca bệnh được cho làm xét nghiệm nhiều hơn tương ứng số ca phát hiện mắc Adenovirus cũng tăng lên. 

Bên cạnh đó, thời gian qua, do giãn cách xã hội, trẻ em ít tiếp xúc môi trường bên ngoài, nên miễn dịch dần dần với các virus không có. Khi thoải mái tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trẻ dễ bị các loại virus tấn công.

Khi mắc Adenovirus, trẻ cũng có những triệu chứng nóng, ho, xổ mũi như cảm, viêm đường hô hấp. Có trẻ mắc bệnh nhẹ nhàng nhưng cũng có trẻ bệnh diễn biến rầm rộ đến mức thở mệt phải đi viện.

Do là virus cũ nên cách điều trị cũng giống như các đợt viêm hô hấp do virus, chủ yếu điều trị triệu chứng, chờ bệnh tự khỏi. Adenovirus không có thuốc điều trị đặc hiệu vì đa số tự hết. 

Các trẻ trở nặng thường là do hệ miễn dịch kém hoặc nhiễm thêm vi khuẩn, nhất là vi khuẩn kháng thuốc.C

Chuyên gia cũng cho biết thêm, hiện thế giới chưa có vắc-xin phòng Adenovirus vì chúng có nhiều chủng. Cách phòng ngừa bệnh tốt nhất vẫn là rửa tay, người lớn bị cảm phải tránh xa trẻ nhỏ, khẩu trang…

Bên cạnh đó, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng. Trẻ cần được chích ngừa vắc-xin 6 trong 1, phế cầu, cúm vì nếu nhiễm Adenovirus chồng theo các bệnh này sẽ có nguy cơ làm bệnh nặng thêm.

Còn theo ý kiến của bác sĩ Lê Kiến Ngãi,  Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát, Bệnh viện Nhi Trung ương, Adenovirus là tác nhân virus thường gây nên tình trạng viêm ở hệ thống hô hấp với biểu hiện từ trung bình đến nặng.

Cũng có một tỷ lệ rất ít Adenovirus gây bệnh ở đường tiêu hóa, gây viêm bàng quang hay viêm màng não. Bệnh thường gặp quanh năm và ở mọi lứa tuổi.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo bác sĩ Ngãi, tổng số bệnh nhân Adenovirus dương tính tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay (12/9/2022) cao hơn hẳn so với năm 2021, trong đó đã có 6 ca tử vong.

Như vậy việc cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ trở lại và bùng phát sau đại dịch Covid-19 đang dần trở thành sự thật. Cúm, Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp bùng phát trong những tháng hè và bây giờ là Adenovirus.

Số ca nhiễm Adenovirus gia tăng, phản ảnh thực trạng mầm bệnh virus Adeno đang tồn tại nhiều trong cộng đồng. Thêm vào đó virus này có thể tồn tại trên các bề mặt nhiều ngày; khả năng lây lan của virus cũng khá dễ dàng qua giọt bắn và qua tiếp xúc.

Ngoài ra, cơ hội để tạo ra đường lây Adenovirus đang rất phổ biến như nơi tập trung đông người, các sinh hoạt tập thể trong không gian kín, bí, lơ là vệ sinh tay, ít quan tâm đến vệ sinh bề mặt.

“Ai cũng có thể là đối tượng cảm nhiễm của Adenovirus. Như vậy nguy cơ mỗi cá thể mắc Adenovirus rồi trở thành nguồn nhiễm mới, kể cả nguồn nhiễm không có triệu chứng là rất cao”, bác sĩ Ngãi nói.

Chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho hay, Adenovirus bên cạnh vai trò gây bệnh đã biết rõ ở hệ thống hô hấp, và một tỷ lệ thấp ở đường tiêu hóa, như viêm dạ dày ruột, hay hiếm gặp hơn như hiếm như viêm bàng quang, viêm màng não… còn đang là “đối tượng” bị tình nghi liên quan đến tình trạng “viêm gan bí ẩn”. 

Như vậy, việc số ca nhiễm Adenovirus tăng lên cần phải được quan tâm ở cả khía cạnh lâm sàng, dịch tễ và cộng đồng.

Khi trẻ viêm nhiễm đường hô hấp có các biểu hiện tăng nặng như trẻ mệt hơn, ăn kém, thở nhanh, khó thở cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, xác định căn nguyên và điều trị kịp thời.

Việt Nam chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu riêng cho Adenovirus. Như vậy, việc tuân thủ các giải pháp phòng ngừa không đặc hiệu vẫn là giải pháp cơ bản. 

Đó là vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, đảm bảo môi trường thông thoáng; dinh dưỡng hợp lý; kiểm soát tốt các bệnh nền, bệnh mạn tính; cả người lớn và trẻ em tiêm chủng đủ vắc-xin phòng bệnh theo lịch trong đó có cả vắc-xin phòng Covid-19.

Tin liên quan
Tin khác