Gắn với sứ mệnh “Tam nông”, Agribank luôn tiên phong, chủ lực cung ứng tín dụng, sản phẩm dịch vụ tiện ích cho nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Sứ mệnh vì “Tam nông”
Thực hiện đường lối Đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986 và xác định đổi mới hệ thống ngân hàng là khâu then chốt, ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 53/NĐ-HĐBT thành lập các ngân hàng chuyên doanh, trong đó có Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam – tiền thân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày nay.
Sự đóng góp của Agribank với vai trò chủ lực trên thị trường cung ứng vốn, sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích cho “Tam nông” có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Qua việc triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank, người nông dân ngày càng trưởng thành, biết làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ. Nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung nhờ đó đã được hình thành trên khắp cả nước, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng quy mô lớn, gia tăng giá trị.
Agribank khẳng định sự kiên định của một thương hiệu gắn với sứ mệnh “Tam nông”. |
31 năm hiện diện đồng hành gắn bó thủy chung cùng “Tam nông”, Agribank đã và đang khẳng định bản lĩnh của một ngân hàng hàng đầu Việt Nam, luôn gắn với sự vận động phát triển đi lên của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Đột phá cho vay kinh tế hộ
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Agribank là một trong số định chế tài chính thành công và hiệu quả nhất trên thế giới xét về khía cạnh khả năng tiếp cận các hộ gia đình nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ.
Cho vay hộ sản xuất hay còn gọi là chương trình tín dụng hộ được xem là một hướng đi thành công của Agribank. Từ giữa năm 1989, Agribank thực hiện thí điểm cho vay tới hộ nông dân tại một số địa phương như: Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang), An Giang, Cửu Long (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh), Long An và huyện Bình Chánh thuộc TP Hồ Chí Minh.
Hoạt động tín dụng đối với hộ sản xuất còn được mở rộng theo các chương trình và dự án phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đồng thời đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp thu mua hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản. Cuối năm 1990, dư nợ tư doanh và cá thể (bao gồm một phần hộ nông dân ở một số chi nhánh thí điểm) của Agribank mới chỉ ở mức 103 tỷ đồng (chiếm 7,4% tổng dư nợ), thì chỉ sau một năm (cuối năm 1991) con số này đã tăng gấp 2,5 lần, với quy mô 259 tỷ đồng và 558 nghìn hộ nông dân được vay vốn.
Cho vay hộ sản xuất hay còn gọi là chương trình tín dụng hộ được xem là một hướng đi thành công tạo dấu ấn, bản sắc của Agribank. |
Với phương châm “Agribank bảo đảm không để hộ nông dân nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn”, Agribank đã xây dựng và thực hiện chiến lược “xã hội hoá ngân hàng” phát triển hệ thống vươn rộng đến tận cấp xã. Đến nay, sau 31 năm hoạt động, Agribank có gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, là ngân hàng duy nhất đang có mặt tại 9/13 huyện đảo trên cả nước; phát triển thành công trên 58.000 tổ vay vốn, mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với trên 600 xe với gần 4.000 phiên giao dịch phục vụ hàng chục ngàn lượt khách hàng.
Sẵn sàng cho thời điểm cổ phần hóa
Trải qua năm 2018 ghi dấu quá trình 30 năm phát triển, với lợi nhuận bứt phá, “về đích” trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu, Agribank tự tin phấn đấu trở thành một trong 150 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực châu Á vào cuối năm 2020.
Định hướng đến năm 2025, Agribank giữ vững vị trí Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, hoạt động kinh doanh đa năng, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; giữ vai trò chủ lực về tín dụng, cung cấp các dịch vụ, tiện ích ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Hội nhập sâu rộng, đi tắt đón đầu những thành tựu mới trong ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo lộ trình và chiến lược cụ thể nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số, cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, hỗ trợ đắc lực cho khách hàng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân…
Năm 2019 và các năm tiếp theo, Agribank xác định tiếp tục triển khai thành công tái cơ cấu giai đoạn 2, Đề án chiến lược kinh doanh 2016 - 2020; Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công nghệ thông tin, tạo nền tảng kỹ thuật quan trọng cho phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và yêu cầu của công tác quản trị rủi ro; Triển khai thực hiện theo lộ trình đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước từng bước hướng tới áp dụng các chuẩn mực an toàn theo Basel II; Nâng cao năng lực tài chính, năng suất lao động, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu quả để cổ phần hóa thành công…
Kế thừa truyền thống, nền tảng đã được các thế hệ cán bộ, người lao động dựng xây qua 31 năm phát triển, Agribank tự tin chào đón thời khắc lịch sử khi chuyển giao từ Ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước sang hoạt động theo mô hình Ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vì “Tam nông” và thành công trong hội nhập.