Chiếm thị phần huy động lớn nhất hệ thống, tín dụng tăng chậm do mùa vụ
Báo cáo tài chính riêng lẻ bán niên cho thấy, tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 1,44%; tiền gửi khách hàng đạt gần 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 3,8%. Cho vay khách hàng đạt 1,46 triệu tỷ đồng, tăng 1,25%.
Với các con số này, Agribank đang là ngân hàng dẫn đầu về thị phần huy động vốn, đứng thứ hai về tổng tài sản và quy mô dư nợ cho vay (sau BIDV). Trong nhóm big 4, Agribank có dư nợ tín dụng tăng thấp nhất, nguyên nhân là do cầu tín dụng trong lĩnh vực chính của ngân hàng - khu vực nông nghiệp - có tính mùa vụ, dự kiến những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng trở lại.
Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động đến kết quả kinh doanh của Agribank. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 13.201 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.572 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực kinh doanh tăng trưởng tốt nhất của Agribank 6 tháng đầu năm nay là kinh doanh vàng và ngoại hối với lãi thuần tăng 125%, đạt 1.270 tỷ đồng. Mảng kinh doanh cố lõi của ngân hàng là tín dụng tăng trưởng 5,9%, đạt thu nhập lãi thuần 29.498 tỷ đồng. Được biết, từ đầu năm đến nay, Agribank đã thực hiện 7 đợt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hơn 2,2 triệu khách hàng, đồng nghĩa giảm hơn 1.000 tỷ đồng nguồn thu nhập từ lãi, đây là yếu tố chính bên cạnh việc giảm mạnh lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay khiến nguồn thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng chậm hơn kỳ vọng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của Agribank giảm 4,7% do sự giảm sút của lĩnh vực dịch vụ và dịch vụ khác. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 17% xuống còn 1.928 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm 59% chỉ còn 2.545 tỷ đồng (do thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro giảm).
Đến thời điểm này, Agribank đã hoàn thành 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Điều này giúp ngân hàng đảm bảo được lộ trình tăng vốn đã được thông qua. Mặc dù vậy, mức lợi nhuận 13.201 tỷ đồng trước thuế - xét về tỷ suất sinh lời - còn nhỏ bé so với tổng tài sản 1,9 triệu tỷ đồng.
Tiết giảm chi phí hoạt động, tăng bộ đệm dự phòng rủi ro
Báo cáo tài chính riêng lẻ cho thấy, nửa đầu năm 2023, tổng chi phí hoạt động của Agribank giảm 8,5% (giảm 1.222 tỷ đồng). Đây là ngân hàng duy nhất giảm chi phí hoạt động nửa đầu năm nay trong nhóm big 4, giúp tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) của Agribank 6 tháng đầu năm giảm còn 37,45% thấp hơn 1,56% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính trung bình 6 tháng đầu năm, với hơn 3,9 vạn cán bộ, mức thu nhập bình quân mỗi cán bộ, nhân viên Agribank là 28,8 triệu/người/tháng.Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của nhóm ngân hàng thương mại big 4, mức thu nhập của cán bộ, nhân viên Agribank thấp hơn khá nhiều so với các ngân hàng còn lại.
Cũng giống các ngân hàng khác trong nhóm big 4, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 của Agribank tăng khá mạnh song điểm tích cực là nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại giảm 536 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Agribank tại thời điểm 30/06/2023 là 1,97% theo quy định của Thông tư số 11/2021/TT-NHNN.
Hiện toàn bộ nợ xấu của Agribank đã được ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Trong nửa đầu năm nay, Agribank trích lập dự phòng rủi ro 8.873 tỷ đồng , nâng tổng nguồn dự phòng hiện có lên 37.457 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 122,7%, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.
Tính tới cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Agribank tăng nhẹ 5,05% so với năm 2022, chủ yếu tăng từ lợi nhuận còn lại chưa phân phối và giảm từ sử dụng các quỹ của Agribank. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Agribank đã thực hiện trích quỹ từ nguồn phân phối lợi nhuận năm 2021 đã được phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Theo phương án đầu tư bổ sung vốn 17.100 tỷ đồng cho Agribank đã được Quốc hội thông qua, năm nay, Agribank sẽ được ngân sách cấp bổ sung 6.753 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Số còn lại sẽ được cấp bổ sung năm 2024. Toàn bộ nguồn cấp bổ sung được lấy từ lợi nhuận nộp ngân sách của Agribank năm 2021-2023.