Ngân hàng - Bảo hiểm
Agribank tiếp sức vốn rẻ, giúp doanh nghiệp nông nghiệp vững vàng vượt bão
Trần Mạnh - 25/08/2022 12:27
Chính sách khuyến khích tín dụng tam nông của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của Agribank đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất “trong mơ”, chỉ từ 5-7%/năm
Agribank là ngân hàng chủ lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực tam nông

Trụ vững qua khó khăn nhờ ngân hàng tiếp sức vốn rẻ

Số liệu của NHNN cho thấy, nửa đầu năm nay, tín dụng tam nông có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế với quy mô lên đến gần 2,8 triệu​ tỷ đồng, chiếm gần 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong các ngân hàng tham gia cho vay nông nghiệp, riêng dư nợ cho vay của Agribank chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay tam nông của toàn nền kinh tế. Ngay cả trong giai đoạn Covid-19, khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ngân hàng vẫn không ngừng tiếp vốn để doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan vui mừng vì được tiếp cận vốn rẻ từ Agribank

Ông Vũ Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan - một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Vĩnh Phúc cho hay, cách đây 3 tháng, doanh nghiệp này đã được Ngân hàng Agribank thông báo thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất 2% và hướng dẫn hoàn tất thủ tục để được nhận chính sách hỗ trợ.

“Do Công ty có chứng từ chuẩn chỉnh, ngân hàng lại hướng dẫn chi tiết, nên chúng tôi đã được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% trên tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu tăng 20%, trong khi giá thành phẩm không thể tăng tương ứng. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí, không bị rơi vào thua lỗ”, ông Hòa nói.

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% mà nhiều doanh nghiệp còn được Agribank cho vay ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Chính sách tín dụng ưu đãi này hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong hai năm khó khăn vừa qua.

Ông Cù Đức Hoàng Tài - Giám đốc nhân sự công ty TNHH Juma Phú Thọ, một doanh nghiệp FDI hoạt động tại địa bàn Phú Thọ, chuyên sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu sang thị trường Mỹ có 5 nhà xưởng tại Việt Trì với 1.500 công nhân, doanh thu năm 2021 là 2.300 tỷ đồng - cho hay, công ty ông đang vay 100 tỷ đồng từ Agribank với lãi suất ưu đãi.

“Hai năm xảy ra Covid-19, nhiều thời điểm công ty không xuất được hàng, lao động không có việc làm, khi đó, Agribank đã hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giúp công ty vượt qua khó khăn, duy trì được lương cho người lao động, chuẩn bị nguyên vật liệu đợi cơ hội thị trường phục hồi. Hiện nay, mặc dù thị trường vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, song nguồn vốn vay 100 tỷ đồng lãi suất thấp 5%/năm từ Agribank đã giúp công ty có được nguồn vốn với chi phí hợp lý để tiếp tục đầu tư, sản xuất. Hiện chúng tôi đang xin nâng hạn mức vay lên 200-500 tỷ để phục vụ cho sự phục hồi thị trường cuối năm nay”, ông Tài cho hay.

Hoạt động sản xuất kinh doanh luôn tiềm ẩn rủi ro về thị trường. Với nông nghiệp, rủi ro còn có thêm nhiều rủi ro hơn các ngành khác, đó là rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mất mùa… Có những doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh thậm chí có lúc còn đứng trước bờ vực phá sản, nhờ đồng vốn ngân hàng mà vực dậy sản xuất, tạo nên doanh nghiệp có thương hiệu, tên tuổi.

Ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Công ty cổ phần Famous Việt Nam (Phú Thọ) cho biết, công ty của ông đi vào hoạt động từ năm 2016 thì năm 2017, giá thịt lợn rớt thảm xuống còn 13.000 – 14.000/kg. Năm 2018, doanh nghiệp vừa kịp phục hồi thì sang năm 2019 lại bị giáng đòn dịch tả châu Phi, tiếp đó là dịch Covid-19 năm 2020-2021.

“Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm gắn bó với ngành nông nghiệp, mục tiêu thành lập công ty của chúng tôi là muốn gắn bó với nông nghiệp. Trước đây, khi chưa có vốn, tôi thuê nhà máy để sản xuất. Sau này, nhờ có đồng vốn tài trợ của Agribank, tôi đầu tư xây dựng nhà máy và thức ăn chăn nuôi của công ty đã phủ khắp nước, xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, các trang trại gà cũng cho nguồn thu rất tốt”. Ông Truyền cho hay, nguồn vốn vay với lãi suất 6,5%/năm của Agribank là một trong những yếu tố giúp công ty ông đứng vững trên thị trường.  

Nhiều doanh nghiệp tâm sự, vốn chính là oxy của doanh nghiệp. Thời điểm dịch bệnh Covid diễn ra căng thẳng, nhiều doanh nghiệp thấp thỏm vì ngân hàng không dám cho vay. Tuy nhiên, tại Agribank, hoạt động cấp tín dụng mới vẫn được ngân hàng duy trì, giúp doanh nghiệp thở phào.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty CNC Tech Group, Vĩnh Phúc – doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng - cho hay, hiện doanh nghiệp này đang vay 400 tỷ đồng từ Agribank.

“Chúng tôi rất may mắn trong giai đoạn dịch bệnh vẫn được Agribank cấp các khoản vay lưu động và sau dịch lại được ngân hàng giải ngân kịp thời cho các khoản đầu tư phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ có nguồn vốn kịp thời, chúng tôi khai thác được tối ưu cơ hội để đảm bảo được tiến độ cũng như chất lượng cho khách hàng. Khi chúng tôi làm được điều đó càng nhiều khách hàng đến với chúng tôi hơn, đảm bảo được ổn định sản xuất kinh doanh, vừa có thể đầu tư mở rộng tiếp. Mức lãi vay của Agribank hiện nay rất ưu đãi với doanh nghiệp”, ông Tuấn phấn khởi cho biết.

Cho vay ưu đãi tam nông, ngân hàng chật vật tìm nguồn vốn rẻ

Khuyến khích cho vay tam nông luôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Mới đây, Nghị quyết 19-NQ/TW lại tiếp tục nhấn mạnh việc tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho tam nông. Mặc dù vậy, thực tế các địa phương cho thấy, nguồn vốn chủ lực cho nông nghiệp, nông thôn vẫn dựa chủ yếu vào Agribank.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Long, Phó giám đốc Agribank chi nhánh  Vĩnh Phúc cho hay, với Agribank, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 là nhiệm vụ chính trị và cũng là sứ mệnh của mình.

“Nông nghiệp, nông thôn là thị trường trọng điểm và cũng là sứ mệnh của Agribank nên chúng tôi tập trung toàn lực cho thị trường này. Tại chi nhánh của chúng tôi, dư nợ cho vay tam nông chiếm 70% tổng dư nợ. Riêng cho vay theo Nghị định 55 chiếm 36% tổng dư nợ. Trong đó, nhiều khách hàng đủ điều kiện được hưởng lãi suất ưu đãi 4,5%/năm, nhờ đó hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Long nói.

Theo chia sẻ của ông Long, kinh nghiệm để Agribank Vĩnh Phúc có thể triển khai cho vay lượng khách hàng lớn trên địa bàn nông thôn trải rộng – điều mà không ngân hàng nào làm được – là nhờ triển khai hiệu quả hoạt động cho vay qua tổ, nhóm. Riêng Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc triển khai 382 tổ vay vốn với 4.200 khách hàng đang hoạt động trong các tổ này.  Các tổ vay vốn được thành lập và hoạt động ngay tại địa bàn dân cư sinh sống cho nên rất thuận lợi khách hàng trong quá trình đến để đăng ký nhu cầu vay vốn, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân, thu nợ…   

Không chỉ tại Agribank Vĩnh Phúc mà tại nhiều chi nhánh khác của Agribank, dư nợ cho vay theo Nghị định 55 chiếm tới 30-40% tổng dư nợ, điều này cũng có nghĩa hàng vạn khách hàng được tiếp cận với dòng vốn vay ưu đãi. Tuy vậy, việc trở thành lực lượng chủ lực trong triển khai Nghị định 55 cũng gây nhiều khó khăn cho Agribank, đặc biệt là về nguồn vốn.

Ông Đỗ Văn Bộ, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc 2

Ông Đỗ Văn Bộ, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc 2 cho biết, hiện dư nợ cho vay theo Nghị định 55 đang chiếm 40% tổng dư nợ cho vay của toàn chi nhánh. Tuy vậy, tích cực cho vay theo Nghị định 55 cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận bán vốn với giá thấp, thiệt thòi về NIM (chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra) so với các ngân hàng khác. Trong khi đó, về lãi suất huy động, Agribank cũng phải cạnh tranh ngang ngửa với các ngân hàng trên địa bàn, Chính phủ lại chưa hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp để ngân hàng cho vay theo Nghị định 55.

“Rất mong Chính phủ có nguồn vốn vốn với lãi suất rẻ hơn để tạo điều kiện ngân hàng cho vay nhiều người dân hơn nữa theo Nghị định 55”, ông Bộ kiến nghị. 

Tin liên quan
Tin khác