Đầu tư của Alibaba được kỳ vọng sẽ giúp hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam |
Chất xúc tác cho thị trường bán lẻ hiện đại
Sau nhiều đồn đoán, Alibaba cuối cùng đã rót tiền vào công ty con của Masan Group. Cụ thể, Alibaba và Baring Private Equity Asia đã đạt được thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX - công ty con của Masan, với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương sở hữu 5,5% vốn sau phát hành.
Đây là khoản đầu tư lớn nhất được Alibaba rót vào khu vực Đông Nam Á kể từ sau thương vụ rót 1,1 tỷ USD cho trang thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia vào cuối năm 2017.
The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan, được thành lập dựa trên việc sáp nhập Masan Consumer Holdings (MCH) và VinCommerce (VCM) - đơn vị sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+.
Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (khoảng 2,15 triệu đồng). Sau đợt phát hành, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.
VinCommerce đang có hơn 130 siêu thị VinMart và 2.900 siêu thị mini VinMart+, sẽ là nhà bán lẻ hàng tạp hóa được ưa thích trên nền tảng của Lazada tại Việt Nam và các cửa hàng thực của nó sẽ trở thành điểm nhận hàng cho các đơn hàng trực tuyến.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group chia sẻ, một trong những mục tiêu mà chuỗi VinMart và VinMart+ phải đạt được trong năm nay là thử nghiệm nhượng quyền, triển khai các dịch vụ tài chính và nhượng quyền. Công ty sẽ tự phát triển và vận hành 10.000 cửa hàng. 20.000 cửa hàng sẽ được mở bằng cách hợp tác nhượng quyền với những tiệm tạp hóa gia đình. Mục tiêu đến năm 2025 có 30.000 cửa hàng, phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng.
Tại Trung Quốc, Alibaba vẫn dẫn đầu thị trường thương mại điện tử về quy mô giao dịch (khoảng 50% thị phần). Alibaba có lợi thế ở các thành phố lớn, nơi người tiêu dùng có thu nhập cao hơn và chi tiêu mua sắm nhiều hơn.
Được biết, đối thủ của Alibaba là JD.Com và các nhà đầu tư khác cũng muốn đầu tư vào The CrownX. Masan cũng tiết lộ, đang đàm phán với các nhà đầu tư khác về khoản đầu tư bổ sung từ 300 đến 400 triệu USD vào The CrownX, dự kiến kết thúc vào cuối năm nay.
Giới đầu tư cũng cho rằng, các công ty bán lẻ và nhà đầu tư tài chính trong khu vực có khả năng trở thành những người mua tiềm năng trong vòng đầu tư tiếp theo vào The CrownX.
Tuy nhiên, khác với Alibaba, JD.com mua hàng từ các nhà cung cấp rồi bán trực tiếp cho khách hàng. JD.com còn duy trì thị trường cho các hãng bán hàng và trả hoa hồng cho JD.com. Trong khi đó, thực chất Alibaba không bán sản phẩm, mà là kết nối người bán với người mua, kiếm tiền qua quảng cáo và các dịch vụ khác cung cấp cho hàng triệu cá nhân sử dụng thị trường.
Tăng tốc tích hợp từ offline đến online
Gần đây, có xu hướng công ty nước ngoài đến mua công ty tại Việt Nam, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và đặt chân vào Việt Nam, nơi đang nổi lên như một thị trường tiềm năng của khu vực.
Năm 2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để thâu tóm Lazada, qua đó chính thức đặt chân vào thị trường bán hàng trực tuyến của Việt Nam. Việc mua lại này được kỳ vọng giúp các thương hiệu và nhà phân phối trên toàn thế giới đang kinh doanh trên nền tảng của Alibaba, cũng như các nhà cung cấp địa phương có thể tiếp cận thị trường tiêu dùng Đông Nam Á.
Ngoài ra, Alibaba thỏa thuận với một số cổ đông nhất định của Lazada, trao cho Alibaba quyền mua và các cổ đông có quyền bán cổ phần còn lại của mình tại Lazada theo giá thị trường trong vòng 12-18 tháng sau khi hoàn tất giao dịch.
Thông qua thương vụ với Lazada, Alibaba tạo thêm doanh thu từ việc bán quần áo và đồ điện tử tại 6 thị trường khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các thương vụ đầu tư tài chính nắm cổ phần này được cho là xuất phát từ các mục tiêu do Jack Ma, Chủ tịch Alibaba đặt ra, nhắm mục tiêu ít nhất một nửa doanh thu của Công ty đến từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Doanh thu mỗi năm của Hãng có thể lên đến 930 tỷ NDT (tương đương 144,12 tỷ USD) trong năm tài chính tính tới tháng 3/2022, cao hơn mức dự báo 928,25 tỷ NDT của giới phân tích trước đó.
Trở lại với thương vụ đầu tư vào The CrownX. Sau thương vụ, Lazada sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online tại Việt Nam.
Trong đó, VinCommerce đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử này. Hai bên sẽ chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy mảng nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử. Ngoài ra, việc hợp tác cũng phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline, phát huy sức mạnh từ nền tảng cung ứng và giao vận của hai bên để tối ưu và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Hiện nhu yếu phẩm chiếm khoảng 50% thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu trong tiêu dùng của người Việt. Dù được mua sắm với tần suất hàng ngày, nhưng khả năng người tiêu dùng tiếp cận mặt hàng nhu yếu phẩm thông qua kênh online vẫn còn hạn chế. Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của họ.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, nếu gãy mất kênh phân phối offline thì ứng dụng VinShop thuộc One Mount Group, thành viên Tập đoàn Vingroup mới ra đời năm 2020 nhằm hỗ trợ các chủ tiệm tạp hóa đặt nhiều mặt hàng đa dạng trực tiếp từ nhà sản xuất, nhận nhiều ưu đãi hời và giao hàng siêu tốc cũng trở thành khó nhằn.