TIN LIÊN QUAN | |
Amata - Tuần Châu xây KĐT công nghệ cao 2 tỷ USD | |
Dự án Amata 500 triệu USD chưa có mặt bằng |
Theo thỏa thuận, do đích thân ông Đinh Quốc Thái (Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và ông Vikrom Kromadit (Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Amata) ký kết tại Thái Lan, hai bên thống nhất thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và cam kết quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài, bền vững trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi trong lĩnh vực đầu tư và các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm.
Khu công nghiệp Amata tại Đồng Nai |
Xác nhận thông tin này, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, thỏa thuận này cũng là cơ sở để hai bên phối hợp triển khai Dự án Khu công nghệ cao và Khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Dự án có vốn đầu tư 530 triệu USD, dự kiến được triển khai trên quy mô 1.285 ha.
Theo kế hoạch, khi hoàn thành, Dự án sẽ trở thành khu đô thị mới có tầm cỡ quốc tế và đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường và cảnh quan đô thị.
Dự án này, trên thực tế, đã được nhắc nhiều trong những năm gần đây, với tên gọi Amata Express City. Chính thức công bố việc theo đuổi Dự án từ năm 2012, tuy nhiên, cho tới nay, Amata mới chính thức có thỏa thuận hợp tác với tỉnh Đồng Nai trong việc triển khai dự án này. Báo cáo chính thức về Dự án vẫn chưa được đệ trình các cơ quan chức năng Việt Nam, song theo ông Nhơn, Amata đã cam kết sẽ sớm hoàn thành việc nghiên cứu khả thi và nộp hồ sơ đăng ký đầu tư.
“UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cam kết sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh để giao đất cho nhà đầu tư, còn Amata cũng sẽ sớm xây dựng khu tái định cư để phục vụ việc giải phóng mặt bằng Dự án”, ông Nhơn cho biết.
Theo kế hoạch, không chỉ trực tiếp đầu tư vào Dự án, Amata cũng sẽ tích cực mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào Khu công nghệ cao và Khu đô thị Long Thành, với vốn đầu tư có thể lên tới hàng tỷ USD.
Thông tin được đăng tải trên tờ Bangkok Post mới đây, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam cho biết, lý do Amata chọn Long Thành vì đây là khu vực gần đường cao tốc, cảng biển và cũng gần khu vực dự kiến xây dựng Sân bay Long Thành.
Theo bà Somhatai Panichewa, dự án này sẽ có tên là Amata City Long Thành. “Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn lập kế hoạch và đang cần sự cấp phép của chính quyền địa phương. Nếu mọi việc suôn sẻ thì khoảng giữa năm sau, Dự án sẽ nhận giấy chứng nhận đầu tư để cuối sang năm, có thể khởi công xây dựng”, bà Somhatai Panichewa nói.
Dự án dự kiến được triển khai với 3 phân khu khác nhau, bao gồm khu công nghệ cao, khu đô thị và khu thương mại. “Việc xây dựng các khu này sẽ dựa trên nhu cầu của khách hàng. Toàn bộ Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 10 - 15 năm”, bà Somhatai Panichewa cho biết.
Amata đã đầu tư tại Đồng Nai 20 năm trước, với Dự án khu công nghiệp Amata. Đây là một trong những khu công nghiệp hoạt động thành công ở Đồng Nai, thu hút được một lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại đây.
Không dừng ở khu công nghiệp thứ nhất, Amata đã lên kế hoạch đầu tư dự án thứ hai ở Đồng Nai và năm ngoái, cũng đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh và ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu về việc triển khai Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh này.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đang hối thúc Tập đoàn Amata hoàn tất việc nghiên cứu và các thủ tục cần thiết để tỉnh có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao, vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD, trong tháng 9 này.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh, Amata sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng Dự án trên diện tích 7.834 ha, trong đó diện tích đất nghiên cứu giai đoạn I là 755 ha. Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Amata vào cuối tháng 8 phải hoàn tất phương án nghiên cứu của Dự án để thống nhất ranh giới toàn bộ Dự án và ranh giới giai đoạn I.
Đồng Nai thay đổi mục tiêu thu hút FDI () Đồng Nai dự kiến thu hút từ 700 - 900 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2014, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, các dự án dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng. |
Nguyên Đức