Theo phản ánh của Amcham do bà Virginia B. Foote ký, các nhà sản xuất và các công ty nhập khẩu sản phẩm điện tiêu thụ đang phải đối mặt với những thách thức lớn để đáp ứng các yêu cầu về dán nhãn và chứng nhận tiêu chuẩn điện năng tối thiểu.
Cụ thể, văn bản 306/2016/BTC-TCNL của Bộ Công thương yêu cầu các công ty nhập khẩu năng lượng để có được các sản phẩm từ mỗi lô hàng phải được kiểm tra tiêu chuẩn điện năng tối thiểu, do một đơn vị dán nhãn được chỉ định bởi Bộ Công thương thực hiện – dù sản phẩm đó giống với sản phẩm nhập khẩu trước đó. Theo Amcham, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu rào cản vô lý này.
Điều này đang gây ra sự chậm chễ đáng kể cho các doanh nghiệp, do năng lực hạn chế và khối lượng khổng lồ của các đơn vị dán nhãn.
“Chúng tôi thấy hàng nghìn sản phẩm hiện nay đang bị tắc nghẽn tại kho hàng, chờ kiểm tra chất lượng để thực hiện thủ tục thông quan”, nhận xét từ Amcham cho hay và lưu ý, quy định kiểm tra hàng hóa này không được yêu cầu nếu nhà sản xuất có sản phẩm được chứng nhận thông qua khâu kiểm tra của cơ quan nhà nước về điều kiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục kiểm tra, cụ thể trong trường hợp cơ sở sản xuất ở nước ngoài, không phải ở tại Việt Nam.
Điều 8 Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định, để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu chuẩn điện năng tối thiểu, các nhà sản xuất hay các công ty nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi 1 đơn vị do Bộ Công thương chỉ định. Tuy nhiên hiện mới có 4 đơn vị (2 ở miền Bắc và 2 ở miền Nam) được chỉ định.
Trong khi đó việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí là đơn vị tháng, phụ thuộc vào sản phẩm và khối lượng công việc của các đơn vị này. Trong hoàn cảnh hạn chế về số lượng và năng lực của các đơn vị kiểm định, yêu cầu mẫu hàng hóa phải được kiểm tra với từng lô hàng và kết quả kiểm tra chỉ sử dụng 1 lần đã gây ra tình trạng chậm chễ nghiêm trọng khi thông quan với các sản phẩm cần được dán nhãn năng lượng và áp dụng tiêu chuẩn điện năng tối thiểu. Thực tế này dẫn tới hàng nghìn sản phẩm vẫn đang tồn kho hàng tháng trời vì đợi kết quả kiểm tra, gây tổn thất đáng kể cho các nhà sản xuất và các công ty nhập khẩu.
Amcham cũng khuyến nghị, các sản phẩm của các hãng nổi tiếng trên toàn thế giới hoặc áp dụng công nghệ cao thì nên được miễn kiểm tra tiêu chuẩn điện năng tối thiểu tại các phòng thí nghiệm được công nhận trong nước. Hầu hết các hãng sản xuất thiết bị điện tử nổi tiếng thế giới như Apple, Dells, Canon, Sony, HP, Samsung… đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng. các sản phẩm này đã được kiểm tra bởi các đơn vị được thế giới công nhận, trước khi tung ra thị trường.
Tuy nhiên các đơn vị dán nhãn do quốc tế công nhận này lại không được chỉ định và không phải đăng ký với Bộ Công thương. Do vây, việc quy định buộc các sản phẩm này phải kiểm tra lại là không cần thiết và không phù hợp, đặc biệt trong hoàn cảnh hạn chế về năng lực và nguồn lực của các đơn vị tại Việt Nam.
Đối với yêu cầu việc kiểm tra mẫu cho từng lô hàng cùng một mặt hàng sản phẩm cũng được các doanh nghiệp Amcham cho là không cần thiết và gây ra chậm chễ đáng kể trong quá trình thông quan và làm tăng chi phí cho nhà sản xuất hoặc các công ty nhập khẩu. Lý giải điều này, đại diện Amcham cho hay, hàng điện tử được sản xuất theo quy trình được kiểm soát chặt chẽ và chắc chắn không thể có sự khác nhau về các chỉ số hiệu quả năng lượng giữa các sản phẩm cùng loại. Bởi vậy, yêu cầu kiểm tra theo từng lô hàng của cùng một mặt hàng là vô lý chưa từng có và đã biến Việt Nam thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới yêu cầu kiểm tra hàng hóa với từng lô hàng.