Sống tốt trong khủng hoảng
Đặt chân vào Việt Nam năm 2008, Amway cũng từng đối mặt với nhiều thị phi của dư luận về phương thức bán hàng đa cấp.
| ||
Amway Việt Nam vừa khai trương trung tâm phân phối thứ 2 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Hưng |
Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, Amway biết cách xoay chuyển tình thế bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm tại Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) như một cam kết chắc chắn về việc làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Cũng từ đây, Amway mở đường cho xu hướng sử dụng thực phẩm chức năng còn nhiều hoài nghi.
Sau 5 năm, Amway Việt Nam đã tạo dấu ấn với doanh thu ấn tượng. Năm 2008, doanh số của Công ty là 8 triệu USD, năm 2009 là 16 triệu USD, năm 2010 là 34 triệu USD. Theo nguồn tin chưa chính thức, doanh thu của Amway Việt Nam năm 2012 lên đến 70 triệu USD (!).
Ngoài nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, Amway Việt Nam cũng thành lập nhiều trụ sở, trung tâm phân phối tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cà Mau... Đặc biệt, tháng 4/2013, Amway đã khởi công xây dựng nhà máy thứ 2 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP II, tỉnh Bình Dương), với số vốn đầu tư hơn 20 triệu USD. Ước tính, công suất nhà máy đạt 200 triệu USD giá trị sản phẩm/năm.
Năm 2013, mặc dù kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, Amway Việt Nam vẫn khai trương trung tâm phân phối thứ 2 tại Hà Nội, ở tòa nhà Hapulico Complex (số 1 - Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân). Các sản phẩm trưng bày ở đây gồm 13 loại sản phẩm Nutrilite, mỹ phẩm và chất tẩy rửa Amway.
Trả lời câu hỏi về bí quyết làm nên thành công của Amway tại thị trường Việt Nam, Tổng giám đốc Amway Việt Nam - ông How Kam Chiong chỉ trả lời ngắn gọn: “Việc kinh doanh của Amway dựa trên mối quan hệ cộng tác, giúp mọi người tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Sống thật, kinh doanh thật, chúng ta sẽ được trao thưởng những thành quả tốt đẹp”.
Vừa kinh doanh, vừa... tranh cãi
Lịch sử thương mại thế giới hiện đại ghi nhận hình thức bán hàng đa cấp như một trong những hình thức kinh doanh gây nhiều tranh cãi nhất. Ở khía cạnh này, Amway không phải là một ngoại lệ. Thành lập tại Hoa Kỳ năm 1959 bằng phương thức kinh doanh bán hàng trực tiếp các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, Amway ngay lập tức thu hút sự quan tâm của công chúng Hoa Kỳ và sau đó cũng được Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) để mắt tới.
Từ năm 1975, Amway phải đối mặt với các cáo buộc của FTC về tính hợp pháp của hình thức bán hàng trực tiếp. Sau nhiều lần giải trình, phải đến năm 1979, Amway mới thoát khỏi vụ việc, khi Toà án Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố, hình thức bán hàng trực tiếp (kinh doanh theo mạng) của Amway là một cơ hội kinh doanh hợp pháp. Vụ kiện của Amway tại Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là “án lệ” cho các hãng bán hàng trực tiếp mỗi khi phải đối mặt với các cáo buộc về pháp lý.
Trên thị trường thế giới, Amway cũng đã nhiều lần vướng vào cuộc chiến pháp lý với chính quyền sở tại, nhưng trong hầu hết vụ việc, Amway đều giành phần thắng. Sau những kinh nghiệm thương đau, Amway đã đúc kết nên những quy tắc kinh doanh cốt lõi, đảm bảo cho những cuộc chiến pháp lý ở bất cứ đâu trên thế giới như: yêu cầu các nhà phân phối tuân thủ “mười chính sách khách hàng bán lẻ” khi tham gia hệ thống.
Quy tắc trên yêu cầu những nhà phân phối phải có doanh số bán lẻ 10 mặt hàng mới được xem là đủ tiêu chuẩn để nhận những khoản hoa hồng và tiền thưởng đối với doanh số/lợi tức trong mạng lưới kinh doanh của họ. Đồng thời, các nhà phân phối phải bán được tối thiểu 70% sản phẩm được mua trong đơn đặt hàng cũ trước khi đặt mua hàng mới...
Quang Hưng