Ấn Độ hỗ trợ 7 dự án về quản lý nguồn nước tại ĐBSCL. |
Theo đó, Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ cho 7 dự án về quản lý nguồn nước tại 4 tỉnh ĐBSCL. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình viện trợ không hoàn lại của Dự án tác động nhanh (QIP) đang được Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong khuôn khổ Hợp tác sông Mekong – sông Hằng, hướng đến các lợi ích kinh tế - xã hội trực tiếp cho cộng đồng người dân tại các khu vực còn gặp nhiều khó khăn thông qua các dự án ngắn hạn.
Tại buổi lễ, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh đã ký 7 biên bản ghi nhớ với đại diện 4 tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang và Tiền Giang, với tổng kinh phí 350.000 USD cho 7 dự án (mỗi dự án 50.000 USD). Trong đó, Bến Tre có 1 dự án (cống tưới tiêu Thới Định); Kiên Giang có 2 dự án (hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho khu vực biên giới hải đảo cho 790 hộ dân và thu nước mưa để cung cấp nước bền vững); Tiền Giang có 2 dự án (xây dựng hồ chứa nước mưa vùng khô hạn và lắp đặt đường ống dẫn nước sinh hoạt); Hậu Giang có 2 dự án (xây dựng mô hình thủy lợi và hỗ trợ cấp nước sạch cho nhân dân vùng hạn mặn).
Đây là các dự án nằm trong số 26 dự án tác động nhanh do Ấn Độ hỗ trợ tại 22 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó 13 dự án đã được hoàn thành và 12 dự án mới sẽ được triển khai trong năm tài khoá 2020-2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, hợp tác phát triển là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện gữa Ấn Độ và Việt Nam. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước là hình mẫu thành công về hỗ trợ thể chế và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực đa dạng qua nhiều năm, trong đó có những trung tâm nghiên cứu hàng đầu như Viện Lúa ĐBSCL.
Bà Phạm Thị Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao thông tin, hoạt động này là biểu trưng cho tình hữu nghị lâu bền giữa các nước thành viên hợp tác Mekong – sông Hằng cũng như giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Hợp tác Mekong – sông Hằng bao gồm sự tham gia của Ấn Độ và 5 quốc gia Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Được thành lập từ năm 2000, đây là một trong những cơ chế hợp tác tiểu vùng lâu đời nhất tại khu vực Mekong, hướng đến mục tiêu tăng cường sự đoàn kết, tình hữu nghị giữa các nước, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân lưu vực sông Mekong và sông Hằng.
Trong thời gian qua, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở mức kỷ lục. Từ đầu năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong thiếu hụt 30-40% so với trung bình nhiều năm và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian tới.
Thực trạng trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống của người dân. “Trước tình hình đó, Chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng hỗ trợ các địa phương khu vực ĐBSCL thông qua các dự án nhằm tăng cường khả năng dự trữ, phân bổ nước sạch. Đây là những dự án kịp thời, ý nghĩa, là hình ảnh đẹp cho hợp tác Mekong – sông Hằng, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập hợp tác” – bà Anh cho biết.