Rừng tràm An Giang |
Rừng tràm Tân Tuyến rộng 1.672 ha, thuộc huyện Tri Tôn, được UBND tỉnh An Giang đưa vào danh mục rừng ngập nước bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, hơn 255 ha tại khu A được quy hoạch khai thác, phát triển các hoạt động du lịch với sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa. Đây là khu rừng đặc dụng thuộc hệ sinh thái đất ngập nước với các sinh cảnh điển hình của tỉnh An Giang và vùng Tứ giác Long Xuyên.
Chiến lược phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến trong giai đoạn 10 năm, đến năm 2030. Đây vừa là hoạt động góp phần cho công tác bảo tồn thiên nhiên, đồng thời góp phần cho sự phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh.
Khi dự án du lịch sinh thái tại Tân Tuyến hình thành và đưa vào sử dụng, du khách đến vùng Tứ giác Long Xuyên này sẽ được tham quan các sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước; giải trí, thư giãn trong môi trường rừng yên bình, trong lành. Đặc biệt, du khách được khám phá các đặc trưng tiêu biểu của tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học về rừng tràm và đất ngập nước là các sinh cảnh đồng cỏ ngập nước theo mùa; trải nghiệm các nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực truyền thống của cộng đồng địa phương.
Đồng thời, An Giang định hướng phát triển du lịch để tăng thu hoạch về kinh tế nhưng phải duy trì giá trị, chức năng của các hệ sinh thái, cảnh quan và tài nguyên du lịch tự nhiên. Kiên quyết không đánh đổi giá trị sinh thái tự nhiên bằng lợi ích kinh tế. Đây là căn cứ để chọn các nhà đầu tư thực sự có các sản phẩm du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên.
Như vậy, đến nay khu vực ĐBSCL có 6 khu du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng rừng ngập nước gồm: khu du lịch sinh thái Đất Mũi (Cà Mau); khu du lịch sinh thái Tràm Chim (Đồng Tháp); khu du lịch sinh thái U Minh Thượng (Kiên Giang), Khu Du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), Khu du lịch sinh thái Trà Sư và Khu du lịch sinh thái Tân Tuyến thuộc tỉnh An Giang.