Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang xác định vai trò cực kỳ quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của địa phương. Không những đóng góp cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, doanh nghiệp còn là bộ mặt và niềm tự hào của tỉnh.
Hội thảo Làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp An Giang nắm bắt cơ hội mang lại từ CPTPP. Ảnh: Hữu Trực |
Theo ông Lê Văn Nưng, trên tinh thần “tâm huyết- đổi mới- sáng tạo”, UBND tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: tăng cường chất lượng chương trình Càfe doanh nhân; thành lập Ban Hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp qua hệ thống điện tử…
Ông Nưng nói: “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã và đang tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, khoa học và sôi nổi giữa các tỉnh. Đồng thời cũng thể hiện mức độ niềm tin giữa doanh nghiệp và địa phương trong quá trình cùng đồng hành phát triển. Hội thảo lần này, là dịp để các sở, ban ngành cùng Hiệp hội các DN có thêm kinh nghiệm, kỹ năng và giải pháp nâng cao chỉ số PCI, vực dậy tiềm năng của địa phương. Lấy đó làm nền tảng để toàn tỉnh bước vào sân chơi PCI một cách tự tin, cầu thị và quyết tâm cao”.
Bà Katelin Maher, Phó Giám đốc Phòng Kinh tế - USAIS Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hữu Trực |
Bà Katelin Maher, Phó Giám đốc Phòng Kinh tế của USAID Việt Nam đánh giá cao tiềm năng kinh tế của tỉnh An Giang, trong đó, cảnh quang thiên nhiên và văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương là một lợi thế thu hút đầu tư vào du lịch. Bà cũng bày tỏ sự ấn tượng đối tính năng động và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.
Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI đã nêu ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh An Giang trong thời gian tới. Theo ông Tuấn, An Giang cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là một số thủ tục hành chính có liên quan tới nhiều cơ quan khác nhau; dù chỉ số thành phần gia nhập thị trường An Giang ở vị trí 3/63 tỉnh/ thành, nhưng những thủ tục hậu đăng ký vẫn còn một số khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời tỉnh cần nâng cao chất lượng cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; tăng cường tham vấn cộng đồng kinh doanh, tăng cường vai trò của hiệp hội doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ giải quyết hiệu quả hơn nữa các khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện hơn nữa chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm hơn các dịch vụ hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp...
Qua 02 năm thực hiện Chương trình trọng điểm của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020), thứ hạng PCI của tỉnh An Giang ngày càng cải thiện. Cụ thể năm 2017, An Giang có 62,16 đểm (tăng 4,37 điểm), xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 06 bậc so với năm 2016 ( năm 2016 xếp hạng 38/63). So với 13 tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, PCI của tỉnh An Giang đứng thứ 07/13.
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức tập huấn “Đánh giá tác động từ CPTPP và các FTA mới của Việt Nam – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp An Giang” nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới của Việt Nam, giúp doanh nghiệp nhận diện cơ hội, thách thức trong môi trường hội nhập.