Việc hợp tác với tập đoàn ANA, đang sở hữu một trong những hãng hàng không có chất lượng dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới sẽ giúp Vietnam Airlines tự tin hơn trong việc đổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới nhất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn |
Trước đó vào cuối tháng 5/2016, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) và Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holding Inc. (Tập đoàn ANA) đã chính thức ký hợp đồng và sau đó trao văn kiện hợp tác chiến lược dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Hợp đồng ký kết giữa hai bên đã khẳng định việc Tập đoàn ANA mua 8,771%cổ phần của Vietnam Airlines với giá trị 2.431 tỷ đồng (tương đương 109 triệu USD).
Vietnam Airlines dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường trước ngày 30/9/2016 để thông qua việc bầu bổ sung thành viện HĐQT từ ANA Holding; sửa đổi Điều lệ Tổng công ty và phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu cháo bán cho cổ đông hiện hữu.
Như vậy, Vietnam Airlines sẽ là doanh nghiệp nhà nước lớn thứ hai (sau thương vụ Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank) có nhà đầu tư chiến lược là 1 tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản với số lượng cổ phần được mua vượt quá 100 triệu USD. Đối với ANA Holdings, mặc dù đã từng đầu tư vào một số hãng hàng không trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhưng thương vụ với Vietnam Airlines vẫn là khoản đầu tư lớn nhất ra bên ngoài của tập đoàn này trong suốt lịch sử hoạt động.
Cần phải nói thêm rằng, hợp đồng mua cổ phần (SSA) đã khép lại hành trình tìm kiếm cổ đông chiến lược kéo dài của Vietnam Airlines kéo dài đúng 20 tháng với khởi đầu là việc hãng hàng không quốc gia gửi Bản công bố thông tin ngắn (Teaser) và Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) tới 19 nhà đầu tư gồm 14 hãng hàng không và 5 tổ chức tài chính quốc tế hồi cuối tháng 9/2014.
Trước đó, Bộ GTVT đã chấp thuận để Vietnam Airlines thực hiện phát hành thêm 107.668.938 cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ANA với giá 21.000 đồng/cổ phần để tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng theo quy định Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Đổi lại, ANA Holdings phải duy trì ngưỡng giới hạn (threshold) cao hơn 4% vốn điều lệ để thực hiện các quyền gồm việc có 1 thành viên trong HĐQT; quyền yêu cầu Vietnam Airlines phải thông báo và có ý kiến chấp thuận bằng văn bản đối với các vấn đề trọng yếu trước khi thông qua tại HĐQT và Đại hội đồng cổ đông; quyền ưu tiên mua trước trong trường hợp hãng phát hành thêm chứng khoán vốn…
Theo ông Phạm Ngọc Minh – tân Chủ tịch HĐQT Vietnam Airliines, quá trình tìm kiếm đối tác và tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp là một phần quan trọng trong nỗ lực của Vietnam Airlines nhằm tái cơ cấu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Việc hợp tác với tập đoàn ANA, đang sở hữu một trong những hãng hàng không có chất lượng dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn trong việcđổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới nhất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn”, ông Minh cho biết.
Với 11,2% vốn điều lệ còn dư nằm trong room 20% cổ phần dự kiến bán cho các nhà đầu tư chiến lược, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Hãng sẽ tiếp tục bán chiến lược để giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước còn 75%, hướng tới giảm tiếp xuống 65% vốn điều lệ như phương án CPH đã được phê duyệt.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi không phải chỉ huy động về nguồn lực tài chính, mà là mở rộng quy mô với sự tham gia của các nhà đầu tư ở các ngành nghề khác nhau, ở quy mô khác nhau, để Vietnam Airlines thực sự trở thành công ty cổ phần mang tầm vóc quy mô quốc tế”, ông Minh khẳng định.