Bà Emily Hamblin, tân Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, kiêm Giám đốc Thương mại của Vương quốc Anh tại Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về triển vọng đầu tư của Anh tại Việt Nam khi quốc gia này tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bà Emily Hamblin, tân Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, kiêm Giám đốc Thương mại của Vương quốc Anh tại Việt Nam. |
Vương quốc Anh đang theo đuổi mục tiêu tham gia CPTPP để gia nhập trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế năng động. Việc này sẽ tác động đến hoạt động đầu tư và chiến lược phát triển của các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam như thế nào, thưa bà?
Theo đuổi mục tiêu gia nhập CPTPP là một trong những ưu tiên của Chính phủ Anh và là một phần quan trọng trong chiến lược thương mại tự do của chúng tôi.
Trở thành thành viên CPTPP không chỉ mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Anh, mà còn thúc đẩy đầu tư và thương mại cũng như phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững giữa Anh và các thành viên CPTPP.
Các công ty của Anh đã đầu tư gần 98 tỷ bảng Anh (125,27 tỷ USD) vào các thành viên CPTPP trong năm 2018. Đến năm 2019, giá trị giao dịch thương mại giữa Anh và các quốc gia thành viên CPTPP đạt hơn 110 tỷ bảng Anh.
Chúng tôi tin rằng, CPTPP sẽ giúp bổ sung cho những hiệp định thương mại song phương mà Anh đã tham gia hoặc đang đàm phán với các thành viên CPTPP.
Hiện nay, Anh và Việt Nam cũng đang làm việc tích cực để chuyển dịch Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) sang Hiệp định Thương mại song phương Anh - Việt Nam vào cuối năm nay. Điều này sẽ đảm bảo tính liên tục và mang lại lợi ích thương mại cho cả doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời, các doanh nghiệp Anh mới đến Việt Nam cũng sẽ muốn tận dụng các điều kiện thương mại hấp dẫn.
Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư của khá nhiều tập đoàn lớn từ Vương quốc Anh. Theo bà, những lĩnh vực nào sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư Anh tại Việt Nam trong thời gian tới?
Anh là quốc gia đầu tư lớn thứ 15 tại Việt Nam tính về lũy kế đầu tư và là quốc gia đầu tư lớn thứ 13 năm 2019. Những nhà đầu tư Anh đã hiện diện tại Việt Nam gồm các công ty dịch vụ tài chính HSBC, Standard Chartered Bank, Prudential; Jardines trong lĩnh vực bất động sản; AstraZeneca và GSK trong lĩnh vực dược phẩm...
Năm 2019, thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Anh đạt khoảng 5,8 tỷ bảng Anh (7,41 tỷ USD). Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2009 - 2019.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã cải thiện vượt trội. Việt Nam cũng đã công bố tầm nhìn quốc gia về phát triển nền kinh tế số với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số đạt 25% GDP.
Đây chính là những lĩnh vực mà Anh có thể giúp Việt Nam như phát triển thành phố thông minh, số hóa trong lĩnh vực xây dựng và y tế, ứng dụng fintech để hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh và tài chính toàn diện.
CPTPP sẽ giảm 95% thuế quan giữa các nước thành viên và thiết lập các quy tắc hiện đại trong các lĩnh vực ngày càng quan trọng đối với doanh nghiệp Anh, bao gồm thương mại kỹ thuật số, dữ liệu, tài chính, dịch vụ chuyên nghiệp và dịch vụ kinh doanh. Chúng tôi dự đoán, các lĩnh vực như fintech, medtech và AI sẽ tăng trưởng nhanh chóng.
Vị trí của Việt Nam trong danh sách đối tác của Anh tại khu vực ASEAN và việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp Việt Nam cải thiện thu hút đầu tư từ Anh như thế nào, thưa bà?
Việt Nam là quốc gia chống Covid-19 hàng đầu trong khu vực. Điều này không chỉ là minh chứng cho nền y tế cộng đồng vững mạnh, mà còn thể hiện khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 2,7%. Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, ngoài Singapore; ngày càng mở cửa với thương mại toàn cầu...
Năm 2020 kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Anh - Việt Nam. Chúng tôi đang theo đuổi mối quan hệ thương mại lâu dài hơn với Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại song phương Anh - Việt Nam. Do đó, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Anh cam kết xây dựng mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam và khu vực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang áp dụng quy chế Đối tác Đối thoại ASEAN và thành công gần đây của Đối thoại Kinh tế Anh - ASEAN dưới sự điều phối của Bộ trưởng Thương mại Vương quốc Anh Elizabeth Truss và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có cơ hội dẫn đầu khu vực với việc ủng hộ các phương pháp bền vững và sáng tạo để phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Vương quốc Anh mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế với các nước châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng thương mại bên ngoài châu Âu sau Brexit. Việt Nam đã thông qua EVFTA và hiệp định này đã có hiệu lực từ tháng 8/2020. Nếu không có thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, Anh sẽ gặp mức thuế cao hơn từ tháng 1/2021.