Y tế - Sức khỏe
Áp lực chăm sóc sức khỏe khi dân số già
D.Ngân - 11/04/2023 08:10
Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số).

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ...

Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). 

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là vào năm 2017.

Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). 

Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế, trong đó có chuyên ngành lão khoa.

Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là nhu cầu cấp thiết đặt ra trong khi dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi… Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. 

Nói thêm về thực tế này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, chúng ta chưa đào tạo được nhân viên y tế chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn chăm sóc người cao tuổi. Ngay cả với bệnh sa sút trí tuệ, một số bác sĩ vẫn có thể nhầm lẫn với bệnh lý tâm thần.

Hiện bảo hiểm y tế cũng chỉ mới chi trả phần khám và thuốc cho bệnh nhân sa sút trí tuệ đến khám tại bệnh viện tuyến Trung ương. 

Các bệnh viện tuyến dưới, các kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, kỹ thuật can thiệp chưa được bảo hiểm y tế thanh toán cũng tạo áp lực kinh tế đối với người già.

Cũng theo đại diện Bệnh viện Lão khoa Trung ương, vừa qua cơ sở đã tiến hành một cudộc khảo sát đánh giá hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 3 miền. Hiện chưa có kết quả cuối cùng, nhưng về cơ bản, lực lượng chăm sóc người cao tuổi còn đang thiếu.

Trong khi chưa thể có được hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thật tốt, theo xu thế chung của thế giới, theo các chuyên gia y tế, cần phải hỗ trợ cho người cao tuổi kiến thức và kỹ năng tự phục vụ bản thân.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cần sớm tăng cường đào tạo nhân lực bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc, xây dựng các mô hình, chương trình đào tạo tốt để đáp ứng chuyên môn cho người làm chuyên ngành.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, theo Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bộ môn lão khoa của Đại học Y Hà Nội đã đào tạo được thế hệ các bác sĩ nội trú, đa khoa tốt.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tích cực phối hợp các tỉnh, thành phố để phát triển để khoa lão tại bệnh viện tỉnh. 

“Hiện Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã thành lập khoảng hơn 30 khoa Lão khoa tại các bệnh viện tỉnh. Có những bệnh viện chưa có lão khoa riêng mà ghép trong tim mạch lão khoa, cơ xương khớp lão khoa cũng đã chăm sóc người cao tuổi rất tốt”, TS. Trung Anh cho biết. 

Ngoài ra, theo TS.Nguyễn Trung Anh, dinh dưỡng lâm sàng và phục hồi chức năng là phương thuốc hữu hiệu để phục vụ người cao tuổi. Vì thế, hiện ngành Lão khoa đang tập trung đào tạo và phát triển mạnh hai mũi nhọn này để chăm sóc cả về thể chất và tinh thần cho người già. 

Trong đó, công tác phục hồi chức năng sẽ được mở rộng phục hồi cả về ngôn ngữ, vận động, tiêu hóa, nuốt… "Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng khoa Phục hồi chức năng, trang bị nhiều trang thiết bị hơn, tuyển dụng và đào tạo nhiều cán bộ phục hồi chức năng và mời chuyên gia phục hồi chức năng chuyên sâu để phát triển mạnh mũi nhọn này", TS.Trung Anh cho biết. 

Tin liên quan
Tin khác