Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến huy động 1.194,2 tỷ đồng, trái phiếu có thời gian 5 năm, lãi suất 11%/năm, trả lãi 6 tháng 1 lần. Trong đó, đáng chú ý trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền.
Trái phiếu sẽ được phân phối cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 200:1, nhà đầu tư sở hữu 200 cổ phiếu có quyền mua 1 trái phiếu với giá 1 trái phiếu là 1 triệu đồng/trái phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 01/10, thời gian nhận đăng ký mua từ 09/10 đến 02/11.
Mục đích khoản vay là để cơ cấu lại các khoản nợ và đầu tư và các chương trình, dự án của tổ chức phát hành.
Bảng lịch trả nợ vay của CII tính tới 30/06/2020 |
Theo báo cáo tài chính tính tới 30/06/2020, lịch trả nợ vay của doanh nghiệp tương đối áp lực. Trong vòng 1 năm phải trả 2.590,1 tỷ đồng; trong vòng năm thứ 2 là 2.326,6 tỷ đồng; Trong vòng năm 3 đến năm 5 phải trả 4.106,5 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính liên tục thâm hụt kéo dài khi hoạt động kinh doanh chính tạo ra không đủ nhu cầu đầu tư.
Trong khi đó, xét về dòng tiền, trong nhiều năm trở lại đây nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp rất lớn, trong khi dòng tiền hoạt động kinh doanh chính không đủ, doanh nghiệp phải huy động vốn vay và vốn chủ sở hữu để có thể phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh.
Cụ thể, trong năm 2018 dòng tiền hoạt động kinh doanh chính chỉ tạo ra được 715,6 tỷ đồng, trong khi dòng tiền đầu tư lên tới 2.551,2 tỷ đồng, doanh nghiệp phải đẩy mạnh vay nợ. Trong năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh chỉ tạo ra 135,2 tỷ đồng, trong khi dòng tiền đầu tư là 1.045,7 tỷ đồng, doanh nghiệp tiếp tục tăng vay nợ bù đắp dòng tiền; trong 6 tháng đầu năm 2020, dòng tiền kinh doanh chính thậm chí âm 903,7 tỷ đồng, trong khi nhu cầu đầu tư vẫn lên tới 432,4 tỷ đồng, doanh nghiệp tiếp tục tăng vay nợ để bù đắp.
Nguồn: Internet |
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 1.123,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 391,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,4% và tăng 46,3% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Tính tới 30/06/2020, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 1.533,4 tỷ đồng lên 15.384,8 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn tăng từ 47,4% lên 50,2%; tỷ lệ nợ vay trên tổng vốn chủ sở hữu tăng từ 159,1% lên mức 179,3%.
CII được giới đầu tư biết đến là doanh nghiệp kinh doanh nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính không đủ để đầu tư, doanh nghiệp liên tục gia tăng nợ vay. Trong đó, năm 2020 là năm doanh nghiệp phải đáo hạn nhiều khoản nợ vay, điều này sẽ gây áp lực khá lơn lên dòng tiền.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/09/2020, cổ phiếu CII tăng 200 đồng lên 18.650 đồng/cổ phiếu.