VN-Index tiếp tục dò đáy bất chấp nhiều thị trường hồi phục |
VN-Index tiếp tục dò đáy
Dù giao dịch khá tích cực ở đầu phiên, đến cuối cùng, áp lực bán vẫn áp đảo kéo tụt ba chỉ số, đặc biệt ở vài phút cuối phiên khớp lệnh liên tục và phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC). VN-Index giảm 8,3 điểm (-0,76%) xuống 1.078,14 điểm, tiếp tục dò mức đáy mới 20 tháng. HNX-Index giảm 2,56 điểm (-1,07%) xuống 235,61 điểm. UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,46%) xuống 82,38 điểm.
Trong khi đó, nhiều sàn chứng khoán châu Á đã hồi phục dù phiên đầu tuần không giảm sâu như thị trường Việt Nam. VN-Index đã mất 30% kể từ đỉnh.
Sắc đỏ tiếp tục xuất hiện trên diện rộng, dù không còn nhiều cổ phiếu giảm kịch biên độ như hôm qua. Toàn sàn có 483 mã giảm, 54 mã sàn; áp đảo số mã tăng (276 mã) và mã tăng trần (30 mã).
Thanh khoản nhích nhẹ so với hôm qua. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 13.550 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 11.676 tỷ đồng, tăng 0,83% so với phiên trước. Các mã chứng khoán giao dịch nhiều nhất trong phiên là HPG, HAG, DIG, VND, STB. Các cổ phiếu này đều giảm sâu. Cổ phiếu Hòa Phát đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 30,5 triệu cổ phiếu sang tay, tương đương thanh khoản đạt 624 tỷ đồng. Phiên đầu tuần, HPG cũng đã giảm kịch sàn với lượng giao dịch cao. HPG tiếp tục giảm thêm 4,56% xuống 18.850 đồng – mức thấp nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ trong phiên, tập trung bán nhiều nhất cổ phiếu HPG (179 tỷ đồng). Các cổ phiếu tài chính gồm STB, SSI, VND cũng bị bán mạnh. Ở chiều mua, các cổ phiếu cũng chỉ được mua ròng khiêm tốn. Nhiều nhất là chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (26 tỷ đồng) và E1VFVN30 (20 tỷ đồng). ACV cũng là điểm sáng khi được khối ngoại mua ròng hơn 10 tỷ đồng, nhiều nhất trên sàn UPCoM.
Dòng chứng khoán, thép lao dốc, cổ phiếu ACV hưởng lợi từ đồng Yên
Ngoài là cổ phiếu đứng đầu về giá trị giao dịch và giá trị bán ròng của khối ngoại, HPG còn là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index phiên hôm nay. Giá trị vốn hóa của “vua thép” Hòa Phát cuối ngày 4/10 chỉ còn xấp xỉ 109.610 tỷ đồng. Sau phiên giảm sàn hôm qua, Hòa Phát đã chính thức ra khỏi top 10 cổ phiếu dẫn đầu trên ba sàn. Cổ phiếu SAB tăng 3,18%, giúp Sabeco giữ vững vị trí thứ 10 về vốn hóa (120.560 tỷ đồng) và bỏ xa Hòa Phát. Trong khi khối ngoại “tháo chạy” khỏi cổ phiếu đầu ngành thép, nhà đầu tư cá nhân là bên mua chính.
Không riêng HPG, phiên 4/10 chứng khoán xu hướng tiêu cực của toàn bộ dòng cổ phiếu thép. HSG đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, giảm 5,4% so với phiên liền trước. Đa phần các cổ phiếu tôn thép khác cũng giảm trên 1%. Nhóm hàng hóa khác như phân bón cũng rơi sâu.
Dòng chứng khoán cũng ghi nhận diễn biến tiêu cực khi loạt cổ phiếu rơi sâu. BSI, ORS giảm kịch sàn. Đa phần các cổ phiếu chứng khoán khác giảm 3-5%. Trước diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán quý III, nguồn thu của khối tự doanh các công ty chứng khoán dự kiến sẽ giảm sâu và tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của nhóm này.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn ngược dòng tăng nhưng vẫn không đủ để “đỡ” thị trường. Cổ phiếu VIC, SAB, VCB góp nhiều điểm tăng nhất cho thị trường. Trên sàn UPCoM, ACV tiếp tục là trụ đỡ chính, hãm phanh đà giảm của chỉ số chung. Với đà suy giảm kéo dài của đồng yên Nhật, quy mô nợ vay của Cảng Hàng không Việt Nam sẽ giảm đáng kể nhờ diễn biến tỷ giá thuận lợi. Tỷ giá JPY/VND tiếp tục giảm 3,1% trong quý III, sau khi đã rơi 13,7% trong nửa đầu năm và mang về khoản lãi đột biến nghìn tỷ cho ACV do đánh giá lại giá trị khoản vay.