Đầu tư
Áp lực lo điện cho phục hồi kinh tế
Hải Yến - 12/04/2022 16:31
Đáp ứng đủ điện cho phục hồi kinh tế đang “nóng” hơn bao giờ hết, do nguồn cung mới hiếm, dự án đang triển khai chậm tiến độ, chi phí đầu vào của nhiều dự án điện tiếp tục tăng cao.
Toàn cảnh Hội thảo Khơi dòng vốn đầu tư vào ngành điện do Báo Đầu tư tổ chức ảnh: đức thanh

Nóng nhu cầu điện 2022-2023

Phát biểu tại Hội thảo Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện, do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, điện cho phát triển kinh tế đang “nóng”, nhất là sau 2 năm đại dịch. Các năm  2022-2023 là năm cao điểm thực hiện đầu tư, nếu nhu cầu điện không được đáp ứng sẽ kéo giảm phục hồi kinh tế. 

Trong khi đó, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền Bắc, việc hỗ trợ kéo điện từ miền Trung ra miền Bắc bị giới hạn bởi truyền tải. Căng thẳng Nga - Ukraine cũng khiến nguồn cung năng lượng sơ cấp bị ảnh hưởng, giá nhập khẩu cao.

Mất cân đối nguồn cung điện tại các vùng miền dẫn tới khó khăn nhất định trong điều độ vận hành hệ thống điện, thực tế huy động hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện đang gặp nhiều thách thức.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng, đảm bảo cấp điện cho hoạt động của nền kinh tế, ông Phạm Minh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin, theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%.

Tốc độ tăng trưởng phụ tải cho nhu cầu điện khoảng 8-9%. Mỗi năm, nhu cầu tăng 4.000 - 5.000 MW. Theo số liệu, nguồn cung trong các năm tới tăng khoảng 2.500 - 4.000 MW, dẫn tới việc thiếu hụt 1.000 - 1.500 MW, đặc biệt ở miền Bắc. Do vậy, rất cần thiết giải bài toán thiếu hụt điện để đáp ứng nhu cầu các năm sau.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia 

Chỉ tiêu điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia là 276 tỷ kWh, tăng 7,9% cũng được nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển năm 2022.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 3/4/2022, ngành điện đã cập nhật tính toán cân đối cung cầu điện, theo đó phương án phụ tải cơ sở, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 dự kiến khoảng 277,29 tỷ kWh, tăng trưởng 8,73%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Thậm chí, để dự phòng cho kịch bản nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, ngành điện đã xây dựng phương án nhu cầu phụ tải các tháng cuối năm tăng trưởng cao (11,5-12%).

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, nhằm đáp ứng điện cho phục hồi phát triển kinh tế, EVN đang nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo tiến độ của các dự án nguồn điện, đưa vào vận hành đúng kế hoạch.

Dù vậy, khó khăn, trở ngại trong triển khai các dự án điện vẫn còn nhiều. Ông Tài Anh nêu, các quy định pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ. Trình tự, thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư phải qua nhiều bước, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn. Những tồn tại này cần được tháo gỡ để tiến độ triển khai các dự án điện được đẩy nhanh.

Căng thẳng Nga - Ukraine cũng đẩy giá than, khí... tăng rất mạnh, nhập khẩu không thuận lợi. Những biến động này tạo áp lực lớn lên ngành điện, cả về đầu tư xây dựng lẫn sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh khó khăn, nhưng EVN cam kết với Chính phủ năm 2022 sẽ không tăng giá điện, nỗ lực cân đối nguồn điện để bảo đảm nguồn cung điện cho phát triển kinh tế, ông Tài Anh khẳng định.

Nhu cầu điện đã phục hồi trở lại với mức tăng 7% trong các tháng đầu năm 2022. Trước đó, tác động của Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu điện của nền kinh tế, khiến mức tăng trưởng nhu cầu điện chỉ đạt 3% so với năm trước.

Lo vốn ở đâu

Nguy cơ khó đảm bảo nguồn cung điện khá hiện hữu, nhưng để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế vào các dự án điện không dễ, do đây là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài và luôn thường trực nhiều rủi ro trong thực hiện dự án.

Theo số liệu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam là 141,59 tỷ USD, trong đó phần nguồn điện 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD.

Bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷ USD. Nhưng lo được nguồn vốn khủng này thực sự là bài toán không dễ giải.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam hầu như không có dự phòng, do tăng trưởng phụ tải gần như không có. Do đó, cần cân đối tỷ trọng các nguồn điện hợp lý, cùng chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào ngành điện.

“Với 14 tỷ USD/năm, đã tăng hơn nhiều mức 9 tỷ USD/năm của giai đoạn trước. EVN không đủ khả năng có được nguồn vốn lớn như vậy, cần chính sách đầu tư đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế”, ông Tài Anh nói.

Với riêng EVN, doanh nghiệp này cho biết, giai đoạn 2021-2025 sẽ khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.240 MW, trong đó hoàn thành đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.090 MW.

Đối với các công trình lưới điện, sẽ hoàn thành đưa vào vận hành 338 công trình (gồm 82 công trình 500 kV và 256 công trình 220 kV) với tổng chiều dài khoảng 17.000 km và tổng dung lượng TBA khoảng 86.000 MVA. 

Bản thân EVN cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư. “Các dự án nguồn điện của EVN có giá trị vốn vay lớn, nên phải trình cơ quan đại diện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) phê duyệt phương án huy động vốn. Ủy ban tiếp tục yêu cầu tính toán lại các thông tin chi tiết liên quan đến dự án, bao gồm giá điện, dòng tiền, hiệu quả kinh tế, tài chính của dự án. Vướng mắc liên quan đến phê duyệt hợp đồng thế chấp tài sản làm kéo dài thời gian thu xếp vốn cho các dự án”.

Đơn cử, Dự án Nhiệt điện Ô Môn III&IV (phụ thuộc khí Lô B, dự kiến chậm 5-6 năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất I&III (phụ thuộc khí CVX, dự kiến chậm khoảng 5 năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Ngoài ra, Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, huy động nhân lực, thiết bị của các dự án. Ảnh hưởng do biến động giá nguyên vật liệu do giá một số vật liệu xây dựng, giá kim loại tăng cao, làm tăng chi phí đầu tư các dự án, đồng thời dẫn đến công tác đầu thầu các dự án phải thực hiện nhiều lần do vượt giá gói thầu, thậm chí một số gói thầu không có nhà thầu tham dự...

PGS-TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực miền Bắc cho hay, khi nhu cầu điện ngày càng lớn, thì vốn cho các dự án để đủ điện phục vụ phát triển kinh tế cũng lớn tương ứng. Nhưng để thu hút đầu tư thì khía cạnh lợi ích phải đặt hàng đầu, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân, kể cả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng vậy.

Tin liên quan
Tin khác