Đầu tư
Apple tái cơ cấu chuỗi sản xuất toàn cầu
Lê Tuấn - 31/01/2021 09:24
Tập đoàn Pegatron vừa xin cấp phép kế hoạch tăng vốn thêm 140 triệu USD tại Ấn Độ, mở đường cho việc giảm sản xuất iPhone tại Trung Quốc để chuyển một phần sang các quốc gia châu Á khác.

Apple hối thúc đối tác mở rộng đầu tư ở châu Á

Trong những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp tại các nước khu vực châu Âu và châu Mỹ gây ra những tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của nhiều nhà cung ứng, sản xuất, lắp ráp sản phẩm Apple tại khu vực này.

Do vậy, việc hối thúc các đối tác đẩy mạnh mở rộng đầu tư tại khu vực châu Á gần như là điều kiện tiên quyết Apple phải thúc đẩy từ cuối năm 2020 nhằm bù đắp sự thiếu hụt năng lực sản xuất cho khu vực Âu - Mỹ.

Mới đây, Tập đoàn Pegatron đã trình Bộ Kinh tế Đài Loan xin cấp phép kế hoạch tăng vốn đầu tư cho dự án của tập đoàn này tại Ấn Độ. Theo tạp chí Nikkei Asia Review, với mức vốn tăng thêm 140 triệu USD, dự kiến Pegatron sẽ đáp ứng yêu cầu của Apple về việc giảm tỷ lệ sản xuất sản phẩm iPhone, iPad và Macbook tại Trung Quốc để chuyển một phần sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Ấn Độ.

.

Một đối tác lắp ráp iPhone khác của Đài Loan là Tập đoàn Wistron sau sự việc nhà máy tại thành phố Bangalore hồi cuối tháng 12 năm ngoái bị công nhân biểu tình đập phá, gây hư hỏng nhiều hạng mục, đã tuyên bố sớm khắc phục, xử lý xong, hiện đang hoạt động trở lại bình thường.

Wistron cho biết, vụ việc trên sẽ không làm thay đổi kế hoạch mở rộng đầu tư của Tập đoàn tại Ấn Độ trong thời gian tới. Trước đó, Foxconn và Wistron đã sớm triển khai dự án nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ (tại TP Chennai và Bangalore), cả hai nhà máy này chủ yếu lắp ráp và sản xuất iPhone đời thấp và phiên bản giá rẻ.

Không nằm ngoài xu thế trên, đối tác sản xuất lớn nhất của Apple là Foxconn trong tháng 1 vừa qua công bố đầu tư dự án mới với tổng vốn đầu tư là 270 triệu USD tại tỉnh Bắc Giang của Việt Nam. Mặc dù không công bố các sản phẩm sản xuất cụ thể, tuy nhiên giới chuyên môn cũng dự đoán đây cũng sẽ là một trong số chuỗi nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử, linh kiện cho sản phẩm của Apple.

Ngoài việc chuẩn bị cho nhu cầu của tương lai bằng những dự án mở rộng của đối tác thì để đáp ứng nhu cầu iPhone 12 trên thế giới đang tăng mạnh, các nhà máy lắp ráp iPhone tại Trung Quốc của Tập đoàn Foxconn đã khuyến khích người lao động không nghỉ Tết.

Ngoài ra, chính quyền thành phố Thẩm Quyến nơi có nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn cũng sẽ “lì xì” mỗi người lao động ở lại Tết là 2.400 tệ (tương đương 400 USD) cùng một số quà tặng giá trị khác.

Tăng tốc để giữ vững ngôi vị số 1

Trong quý IV năm ngoái, với át chủ bài là iPhone 12, Apple là hãng điện thoại đầu tiên trên thế giới bán được 90,1 triệu chiếc điện thoại, chiếm 23,6% thị phần toàn cầu, trong khi đó gã khổng lồ Samsung đứng thứ 2 với hơn 72 triệu chiếc, chiếm 19,1% thị phần.

Những năm trước đó, vị trí số 1 luôn là Huawei, một gã khổng lồ khác đang trên đà tuột dốc bởi những lệnh trừng phạt của Mỹ. Năm 2020, doanh số của Huawei tụt dốc thảm hại chỉ chiếm 8,4%. Một phần doanh số của Huawei đã phải chia sẻ với chính các doanh nghiệp điện thoại đồng hương là Oppo và Xiaomi.

Cũng chính nhờ iPhone 12 mà doanh lợi nhuận quý IV của Apple đạt hơn 21 tỷ USD, tính chung cả năm lợi nhuận lần đầu đã vượt qua mốc 100 tỷ USD, tăng 29% - mức cao nhất trong lịch sử.

Cũng trong quý IV, mảng kinh doanh iPhone đã mang lại 65,6 tỷ USD cho Apple, tăng 17%, đáp ứng được mục tiêu đề ra với sản phẩm iPhone mới. Ngoài ra, sản phẩm Macbook và iPad cũng lần lượt tăng trưởng 21% và 41%, đóng góp cho Apple 24% doanh thu cả năm.

Rõ ràng với những con số kỷ lục về lợi nhuận thì Apple có lý do để tiếp tục thúc đẩy những đối tác sản xuất của mình cần mở rộng quy mô đầu tư hơn nữa, nhất là trong bối cảnh một sản phẩm chiến lược khác là Apple Car dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2025.

Còn đó những thách thức

Với sản phẩm Apple Car, giới chuyên gia đánh giá Apple đã đầu tư cả trăm tỷ USD cho các công đoạn R&D để hình thành sản phẩm này. Cùng với chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử sẵn có, Apple Car được dự đoán sẽ trở thành một chiếc iPhone di động.

Hiện tại mặc dù chưa xuất hiện, nhưng chắc chắn đây sẽ trở thành chiếc xe điện được đón chờ nhất thế giới giống như mỗi sản phẩm iPhone khi sắp ra phiên bản mới vậy. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia về công nghệ xe điện nhận định, lợi nhuận của Apple Car sẽ không được “dồi dào” như sản phẩm iPhone và dao động ở mức 2-5% (tùy theo Apple lựa chọn giá bán nào).

Mặt khác, nếu như iPhone là tiên phong trong các trào lưu của smartphone thì ở mảng xe điện, Apple đang đi sau một “đại gia” khác là Tesla. Chưa kể, những gã khổng lồ ô tô truyền thống của Nhật Bản, Mỹ, Đức cũng đang tung ra nhiều model xe điện cho sản phẩm ô tô truyền thống.

Rõ ràng, nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng, Apple sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sản phẩm xe điện, bởi “mua một chiếc điện thoại luôn dễ dàng hơn lựa chọn một chiếc ô tô”. Chuyên gia phân tích đầu tư nổi tiếng Đài Loan, Xie Jin He, đã nhận định như vậy.

Tin liên quan
Tin khác