Rất nhiều show truyền hình nổi tiếng, kênh HBO và nhiều kênh truyền hình như CNN, Cartoon Network cũng như xưởng phim Warner Bros, New Line Cinema đều là một phần của Time Warner. Từ nay, tất cả sẽ cùng “về chung một nhà” với gã khổng lồ viễn thông AT&T sau thương vụ có giá 85,4 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ mua lại lớn nhất lịch sử.
AT&T xác nhận sẽ mua lại Time Warner với một nửa bằng tiền mặt và một nửa bằng cổ phiếu với giá trị tương ứng 107,5 USD/cổ. Hai công ty xác nhận dự kiến vụ giao dịch sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày và hoàn tất vào năm 2017.
Vào ngày thứ 6 vừa rồi (21/10), cổ phiếu của hãng Time Warner đóng cửa ở mức 89,48 USD trong khi cổ phiếu của AT&T đóng cửa ở mức 37,49 USD.
Thương vụ đánh dấu bước tiếp theo trong kế hoạch đầy tham vọng của AT&T nhằm kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của người dùng. Với thương vụ Time Warner, AT&T có thể phục vụ bạn các dịch vụ không dây, internet gia đình thông qua mảng kinh doanh truyền thống của hãng, cung cấp dịch vụ TV vệ tinh thông qua DirecTV và sản xuất rất nhiều phim cũng như show truyền hình bạn xem.
Còn đối với Time Warner, thương vụ này là câu trả lời cho những áp lực mà các công ty truyền thông của hãng phải hứng chịu trước đó. Cách đây 2 năm, hãng 21st Century Fox từng tìm cách mua lại Time Warner thế nhưng thương vụ đã không thành công như mong đợi.
Sự kết hợp của một công ty cung cấp dịch vụ viễn thông với một công ty truyền thông khiến chúng ta dễ dàng liên tưởng đến việc hãng Comcast mua lại đại đa số cổ phần để nắm quyền kiểm soát hãng truyền thông NBC Universal năm 2011.
Nhà phân tích của công ty nghiên cứu New Street Research, Jonathan Chaplin trong một bài viết xuất hiện ngay trước khi thương vụ được chính thức xác nhận có cho rằng: “Thử thách lớn nhất của AT&T trong những năm tới chính là Comcast. Các công ty cáp đang gây nhiều áp lực lên AT&T trong các thị trường như băng thông rộng, truyền hình trả tiền và doanh nghiệp, và không dây sẽ là thị trường tiếp theo”.
Thương vụ này cũng đồng thời khơi lại “nỗi đau” của AOL khi chi tới 165 tỷ USD nhằm tiếp quản Time Warner. Tuy nhiên AT&T hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại bởi sự kết hợp này bị cho là tệ nhất trong lịch sử.
Các hãng viễn thông hàng đầu như Verizon và AT&T đều luôn ngắm vào các công ty truyền thông, coi đây như là một cơ hội mới khi công việc kinh doanh cốt lõi của hãng đang có dấu hiệu chững lại. Thế nhưng Verizon lại chọn những cách tiếp cận bảo thủ hơn đó là mua lại AOL với giá 4,4 tỷ USD và mua Yahoo với giá 4,83 tỷ USD.
Năm ngoái, AT&T đã bỏ ra 49 tỷ USD để mua lại DirecTV và trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất quốc gia. Vậy AT&T bỏ thêm nhiều tiền như vậy để chuẩn bị cho điều lớn lao gì?
Time Warner có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của AT&T nhằm mở rộng phương thức phân phối video. Ngoài các dịch vụ U-Verse TV và DirecTV truyền thống, công ty cũng sẽ tung ra một dịch vụ stream trực tuyến với tên gọi DirecTV Now dành cho những người không muốn trả tiên thuê bao truyền hình cáp. Hãng đã dành cả năm ngoái để thỏa thuận với các công ty truyền thông về dịch vụ này.
Các dịch vụ streaming là cách duy nhất để AT&T đảm bảo rằng các khách hàng trẻ vẫn sẽ “đi theo” công ty của mình. Time Warner đã ngay lập tực trao cho AT&T rất nhiều nội dung phong phú, ví dụ như kênh HBO cao cấp với nhiều show truyền hình đình đám như Game of Thrones, Silicon Valley và Veep. Về khoản phim điện ảnh, hãng Warner Bros là cha đẻ của nhiều bộ phim như Harry Porter, Batman vs Superman: Dawn of Justice...