Doanh nghiệp
Bà Bình Lê Vandekerckove: Xu hướng M&A đã thay đổi, ESG và AI đang được quan tâm
Hoài Sương - 27/11/2024 19:32
Nếu như trước đây, nhà đầu tư lựa chọn M&A theo ngành như sức khoẻ, giáo dục, bán lẻ, hậu cần… thì nay chuyển sang đầu tư theo chủ đề như ESG, AI, nông nghiệp sạch…

Ngày 27/11, Báo Đầu tư tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam lần thứ 16 với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ” tại TP.HCM.

Bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng bộ phận mua bán và sáp nhập, Công ty Tư vấn thương vụ ASART chia sẻ tại diễn đàn.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng bộ phận mua bán và sáp nhập, Công ty Tư vấn thương vụ ASART thông tin, giai đoạn trước, khi các nhà đầu tư tham khảo thị trường Việt Nam, các đơn vị này sẽ lựa chọn xu hướng theo ngành: Sức khoẻ, giáo dục, bán lẻ, nông nghiệp, hậu cần…

"Tuy nhiên, trong 3 - 5 năm trở lại đây, nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn theo chủ đề như ESG, AI, nông nghiệp sạch…" bà Bình Lê nhận định.

Nếu xét theo ngành, y tế vẫn là ngành nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư. Năm 2022, ASART đã tư vấn một thương vụ lớn nhất trong ngành y tế, đó là CVC Capital mua Bệnh viện quốc tế Phương Châu (thuộc Tập đoàn Y tế Phương Châu) với 116 triệu USD. Ngay sau đó, năm 2023 doanh nghiệp ghi nhận trào lưu đầu tư vào ngành y tế Việt Nam tăng cao, với hơn 10 thương vụ, giá trị lên đến hàng tỷ USD. 

Tiếp đến là ngành giáo dục, đây cũng là ngành nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu rất nhiều công ty mục tiêu có quy mô, tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư tham gia.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với ngành logistics, hậu cần. Thế nhưng ngành này có phần đặc thù, có nhiều điểm cần theo dõi, tìm hiểu và nghiên cứu trước khi các đơn vị thực hiện thương vụ mua bán, sáp nhập. Đây là ngành được nhận định có sự hấp dẫn nhưng không dễ dàng thực hiện M&A nhanh”, bà Bình Lê chia sẻ.

Toàn cảnh phiên 2, Diễn đàn M&A 2024.

Theo bà Bình Lê Vandekerckove, khi thị trường M&A được dự đoán “nở hoa” trong năm 2025, bên tư vấn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến thành công của một thương vụ. Đơn vị tư vấn được ví như người lái tàu, kết nối giữa bên bán và bên mua.

Nguyên nhân là do, với các giao dịch 1 - 10 triệu USD, nhiều doanh nghiệp thường không lo lắng quá nhiều về thiệt hại, rủi ro gây ra. Tuy nhiên, với các giao dịch trên 10 triệu USD, đặc biệt là các thương vụ trên 30 triệu USD, việc có nhà tư vấn cùng tham gia; hiểu được tầm nhìn, mong muốn của bên mua và bên bán để dẫn dắt doanh nghiệp tìm được đúng đối tác chiến lược là rất quan trọng.

Các nhà tư vấn hiện nay không chỉ giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối mà còn hiểu được chiến lược tầm nhìn của mỗi bên; đưa bên mua và bên bán đến được với nhau, từ đó đưa ra kế hoạch giúp phát triển 2 bên hậu thương vụ…

“Trên thực tế, với các nhà đầu tư đi mua, ngoài việc có đội ngũ tư vấn hùng hậu dành riêng cho mình, các đơn vị này còn yêu cầu bên doanh nghiệp mục tiêu phải có nhà tư vấn. Bởi các đơn vị thu mua cho rằng, họ không muốn tham gia vào “cuộc chơi” mà họ phải hướng dẫn "luật chơi" cho bên mua, bà Bình Lê chia sẻ. 

Tin liên quan
Tin khác