Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Trường Sơn và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì thông báo sẽ tổ chức đấu giá 30 thửa đất tại khu Châu Hùm, thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.
Địa bàn thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì. |
Theo đó, diện tích mỗi thửa đất dao động khoảng 116,1 - 349,7 m2. Đây đều là các thửa có mục đích sử dụng là đất ở nông thôn có thời hạn sử dụng lâu dài.
Giá khởi điểm mỗi thửa từ 4,58 tỷ đồng đến hơn 16,19 tỷ đồng. Lưu ý, tiền đặt trước của từng thửa đất bằng 20% tổng giá trị của thửa đất tính theo giá khởi điểm.
Hạn chót nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá là ngày 17/6/2024. Buổi đấu giá dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 20/6/2024 tại hội trường UBND xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.
Ba vì là một trong những địa phương được hưởng lại từ đề án quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, khu vực Sơn Tây - Ba Vì được đề xuất phát triển làm thành phố du lịch.
Trong đó, Ba Vì được định hình trở thành trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ. Đây sẽ là khu vực tập trung phát triển mô hình đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời điểm Ba Vì được “lên đời” vẫn còn rất xa. Bởi trong đề án cũng đã nêu rõ rằng, trước mắt, Hà Nội sẽ ưu tiên thành lập thành phố phía Bắc và phía Tây, thành phố Sơn Tây - Ba Vì sẽ được nghiên cứu hình thành sau.
Về hạ tầng giao thông, đầu năm nay, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến Quốc lộ 32, đoạn từ đường vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đến thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì). Tuyến đường có chiều dài 5,9 km và chiều rộng 35m với 6 làn xe.
Tại Ba Vì, tuyến đường này sẽ đi qua các xã Cam Thượng, Đông Quang, Chu Minh và thị trấn Tây Đằng. Trong đó, thị trấn Tây Đằng là nơi gần với xã Đồng Thái nhất, cách khoảng 4 - 5 km.
Ngoài ra, với những thửa đất được đấu giá, người mua có thể yên tâm phần nào về tính pháp lý. Tuy nhiên, tại những lô đất khác trên địa bàn huyện Ba Vì, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng. Bởi theo thống kê của UBND huyện Ba Vì, nơi đây có tới 18.865 thửa đất chưa được cấp sổ đỏ, bao gồm 5.829 thửa đất nông nghiệp và 13.036 thửa đất ở.
Lãnh đạo UBND huyện cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến từ sự thiếu hụt bản đồ địa chính đáng tin cậy. Hiện các cơ quan chức năng vẫn sử dụng một bản đồ được thực hiện từ năm 1986 - 1991 để làm nguồn tài liệu cho việc cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, bản thân tấm bản đồ này lại chưa được nghiệm thu, độ chính xác không cao.
Thêm vào đó, hồ sơ địa chính qua mỗi thời kỳ cũng bị thất lạc. Do đó, các cơ quan lại tiếp tục thiếu cơ sở để xác nhận nguồn gốc đất. Với sự bất ổn trong công tác quản lý, những người đầu tư tại khu vực cần đặc biệt lưu ý về vấn đề pháp lý để tránh “tiền mất, tật mang”.