Đầu tư
Bắc Giang: Lục Nam chú trọng quy hoạch, tạo cơ sở thu hút đầu tư và phát triển
Lục Nam là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị ở phía Đông của tỉnh. Huyện tập trung hoàn thiện quy hoạch, thu hút đầu tư, dồn nguồn lực xây dựng hạ tầng.
TIN LIÊN QUAN
Khu dân cư số 2 thị trấn Đồi Ngô xây dựng theo hướng hiện đại. ảnh: PV

Quy hoạch đi trước một bước

Lục Nam hội tụ đầy đủ tiềm năng, yếu tố để trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đô thị và dịch vụ du lịch sinh thái… của Bắc Giang. “Địa lợi” của huyện là khu vực liên kết với các tỉnh Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh và các huyện trong tỉnh, hệ thống giao thông có đường bộ, đường thủy, đường sắt kết nối nội bộ và ngoại tỉnh.

Ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện chú trọng và ưu tiên đầu tư cho công tác quy hoạch. Khi lập quy hoạch, đặc biệt đề cao tính đồng bộ, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, làm rõ khu vực, không gian, lĩnh vực phát triển và khả thi cao, tích hợp với quy hoạch chung của toàn tỉnh. 

Giai đoạn 2020 – 2030, tại Lục Nam sẽ hình thành các khu, cụm công nghiệp (CCN) quy mô 1.643 ha; trong đó, ngoài các CCN hiện có sẽ bổ sung 5 CCN (Khám Lạng, Lan Sơn 2, Tiên Hưng, Bảo Sơn, Phương Sơn) quy mô 306 ha; xây dựng KCN - Đô thị - Dịch vụ Yên Sơn - Bắc Lũng với diện tích 662 ha".

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Nam.

 

Trong quy hoạch đưa ra những dự báo và định hướng chiến lược nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng của huyện. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ vùng, thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch và lâm nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Theo đó, quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Nam tỷ lệ 1/25.000 đã được phê duyệt vào cuối năm 2020. Theo ranh giới quy hoạch, vùng huyện Lục Nam có quy mô hơn 608 km2, phía Bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; phía Đông giáp huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động; phía Tây giáp huyện Lạng Giang và huyện Yên Dũng. Ngoài ra, 100% các xã đều có quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Đây là căn cứ, cơ sở vững chắc để huyện và các xã, thị trấn triển khai các quy hoạch chi tiết, phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, xây dựng các khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) và những công trình, dự án trên địa bàn.

Lục Nam định hướng phát triển không gian theo 4 trục, gồm trục quốc lộ (QL) 31 từ xã Phương Sơn đến xã Tiên Nha tập trung phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch và công nghiệp theo hướng Tây - Đông; trục QL37 từ xã Đan Hội đến xã Thanh Lâm ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị theo hướng Tây Nam - Đông Bắc; trục đường tỉnh (ĐT) 293 từ xã Lan Mẫu đến Bình Sơn phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch theo hướng từ Tây sang Đông; trục dọc sông Lục Nam theo hướng Tây Bắc - Đông Nam phát triển vận tải đường thủy và vật liệu xây dựng.

Đồng bộ hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Những năm gần đây, hàng loạt dự án được thực hiện trên địa bàn huyện Lục Nam mang đến sự thay đổi nhanh chóng về hạ tầng, phát triển mạnh mẽ công nghiệp, mạng lưới giao thông, đô thị… Công trình tuyến đường nối từ QL 31 đến QL 37 đang dần tạo thành “vành đai” đi qua cho thị trấn Đồi Ngô và xã Chu Điện. 

Đường nối quốc lộ 31 với quốc lộ 37 được xây dựng, mở ra không gian phát triển mới cho huyện. Ảnh: Quốc Phương

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, toàn tuyến có chiều dài gần 3 km nhưng nền rộng tới 38 m, bề mặt 12 m bê tông nhựa (giai đoạn 1) và xây dựng đầy đủ hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng theo hướng hiện đại. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng từ ngân sách huyện, hiện nay các đơn vị đang khẩn trương thi công phần nền, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành, mở ra không phát triển mới cho địa phương.

 

Huyện đang kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực phát triển du lịch dọc tuyến đường 293, QL 31, gắn kết Khu du lịch Tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử và các thắng cảnh như : Suối Nước Vàng, thác Giót, bản Khe Nghè… cùng các loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ giải trí, trải nghiệm văn hóa dân tộc.

Đồng thời hình thành tuyến du lịch đền Thần Nông (xã Cẩm Lý) kết nối Tây Yên Tử với Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương).

Từng bước xây dựng, khai thác tuyến du lịch đường sông Lục Nam tham quan các danh thắng của huyện, nối từ núi Nham Biền, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) tới dãy Huyền Đinh và chùa Am Vãi, các vườn cây ăn quả của huyện Lục Ngạn.

Dự án KDC số 2 do Công ty cổ phần bất động sản Detechland thực hiện ở thị trấn Đồi Ngô là điểm nhấn về phát triển đô thị với việc đầu tư xây dựng mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Anh Nguyễn Văn Hưng, cán bộ dự án của Công ty nói: “Dự án có tổng mức đầu tư hơn 227 tỷ đồng trên diện tích 19,7 ha; khi thực hiện, chúng tôi hiểu rõ KDC sẽ góp phần tạo không gian sống mới, chỉnh trang đô thị cho thị trấn và huyện Lục Nam. 

 

Do vậy, Công ty tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông, cảnh quan khuôn viên, cây xanh, cung cấp nước sạch và tiêu thoát nước, hạ ngầm điện, viễn thông… đưa thị trấn trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa và đô thị thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại, năng động của khu vực”.

Được biết, hiện nay huyện đang thực hiện một số dự án tác động lớn đến sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện như: Dự án sân Golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại xã Khám Lạng, Chu Điện, Yên Sơn với tổng mức đầu tư hơn 740 tỷ đồng; KCN, đô thị và dịch vụ Bắc Lũng – Yên Sơn quy mô hơn 600 ha; đường vành đai V vùng Thủ đô; cải tạo, nâng cấp QL31 và cầu đường bộ Cẩm Lý... 

Cùng đó là những dự án xây dựng KĐT, KDC mới tại các xã: Yên Sơn, Lan Mẫu, Khám Lạng, Chu Điện, Phương Sơn, thị trấn Đồi Ngô... Riêng năm 2021, Lục Nam huy động hơn 445 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản để thực hiện 130 công trình.

“Trong quá trình mời gọi đầu tư, quan điểm của huyện là kiên quyết không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế. Ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng khu, CCN, giao thông, đô thị dân cư, dịch vụ và du lịch... 

Để khuyến khích, huyện tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” – ông Giáp Văn Ơn nói.

Tin liên quan
Tin khác