Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được duy trì thực hiện tốt, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắk Kạn đã chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thành viên và Ban An toàn giao thông các địa phương tổ chức tuyên truyền theo chức năng của từng đơn vị cho sát với tình hình thực tiễn.
Ban tập trung tuyên truyền các quy định mới của pháp luật về TTATGT như: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tổ chức cắm biển nội dung tuyên truyền pháp luật về ATGT trên các tuyến đường trọng yếu… Nhờ đó, các hoạt động tuyên truyền đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn.
Lực lượng cảnh sát giao thông kết hợp giữa tuần tra kiểm soát với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho người tham gia giao thông. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Nhằm tăng cường thông tin tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân về các quy định pháp luật an toàn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình, khu dân cư bảo đảm An toàn giao thông trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông, tuyên truyền đến mọi người biết và thực hiện theo chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”.
Đồng thời tiếp tục triển khai hướng dẫn thực hiện các mô hình: “Khu dân cư không vi phạm TTATGT”, “Khu dân cư giữ gìn TTATGT” “Đoạn đường tự quản”; xây dựng xã, phường, thị trấn không có người vi phạm giao thông…
Với ngành công an, tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT, các quy định mới của pháp luật như: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Tổ chức 38 buổi tuyên truyền trực tiếp Luật Giao thông đường bộ, đường thủy và các văn bản có liên quan, với gần 7.000 lượt người tham gia; cấp phát 200 bảng tin, 200 quyển cẩm nang tuyên truyền về tác hại nồng độ cồn, 650 tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ; tổ chức 30 buổi tuyên truyền lưu động tại các điểm họp chợ và khu đông dân cư dọc tuyến Quốc lộ 3.
Ngành giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên tuyến; làm việc với các đơn vị quản lý đường bộ và Ban quản lý khu du lịch Ba Bể về công tác đảm bảo giao thông đường thủy, như: trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh trên thuyền và không chở quá số người quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 100% các cơ sở giáo dục, trường học phối hợp với cơ quan Công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa phương để tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về TTATGT tới 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh của các bậc học tham gia…
Các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố chủ động phối hợp các hoạt động tuyên truyền về TTATGT. Hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ra quân phát động an toàn giao thông; Đoàn Thanh niên các cấp đã hỗ trợ ngày công lao động, đổ, lắp đèn chiếu sáng 3,3 km đường giao thông nông thôn, giá trị gần 400 triệu đồng; 100% đoàn viên, thanh niên tại các trường học được tìm hiểu các quy định về an toàn giao thông, duy trì 15 cổng trường an toàn giao thông...
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: Thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan thành viên, Ban An toàn giao thông các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT, xây dựng văn hoá giao thông năm 2020, bám sát chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật TTATGT đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Qua đó, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.