Vinpearl, VinWonder có thể vào phim của Warner Music Group và Indochina Productions
Tập đoàn Vingroup vừa chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với 2 tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh trên thế giới là Warner Music Group và Indochina Productions.
Tập đoàn Vingroup sẽ hợp tác với Warner Music Group và Indochina Productions. |
Theo đó, Tập đoàn Vingroup sẽ hợp tác với Warner Music Group và Indochina Productions để đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm chiến lược của Tập đoàn, đồng thời giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế thông qua các bộ phim, nhạc hội và video âm nhạc.
Các bên sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm quảng bá Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho các nhà làm phim, sản xuất video âm nhạc quốc tế. Vingroup cam kết hỗ trợ các dự án của Warner Music Group và Indochina Productions được thực hiện tại địa điểm thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn, bao gồm các khu nghỉ dưỡng Vinpearl và công viên giải trí VinWonders. Ngoài ra, Vingroup cũng sẽ cung cấp các mẫu xe điện VinFast để sử dụng trong dự án âm nhạc và phim ảnh của 2 đối tác.
Đặc biệt, việc hợp tác trên sẽ tạo tiền đề để các ngôi sao âm nhạc hàng đầu thế giới trực thuộc quản lý của Warner Music Group có cơ hội tham gia Đại nhạc hội quốc tế 8Wonder và các sự kiện âm nhạc khác do Vinpearl tổ chức.
Thiso - công ty con của Thaco mở quán cà phê theo chủ đề Beso
Quán Besoverse Cosmic Cafe vừa khai trương tại TP.HCM là thương hiệu trực thuộc Thiso - công ty con của Tập đoàn Thaco.
Thương hiệu Besoverse Cosmic Cafe trực thuộc CTCP thương mại và dịch vụ Quốc tế Thiso. |
Đây là mô hình cà phê theo chủ đề (themed cafe), lấy cảm hứng từ câu chuyện của robot Beso. Robot này xuất hiện tại TTTM Thiso Mall từ năm 2022, trở thành điểm hút khách nhờ ngoại hình to lớn, có thể cử động, biểu lộ cảm xúc và tương tác với khách hàng.
Theo giới thiệu từ phía thương hiệu, Besoverse Cosmic Cafe “như trạm sạc năng lượng, tiếp thêm tinh thần để người trẻ tiếp tục sáng tạo, chinh phục thử thách, vùng đất mới”.
Thương hiệu Besoverse Cosmic Cafe trực thuộc CTCP thương mại và dịch vụ Quốc tế Thiso, được Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương thành lập hồi năm 2020, nhằm đầu tư phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh thương mại dịch vụ thông qua hợp tác nhượng quyền, liên doanh liên kết với các đối tác có thương hiệu và tự đầu tư phát triển.
Theo thông tin trên trang web của Tập đoàn Thaco, các mảng hoạt động của Thiso bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ nhà hàng ăn uống, trung tâm hội nghị tiệc cưới, khu vui chơi giải trí trong nhà và khu mua sắm cao cấp.
Hôm 13/7, tại hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động và quản trị 6 tháng cuối năm 2024 của Thiso, tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco đánh giá tích cực về kết quả hoạt động của Thiso và Thiso Retail.
“ 6 tháng cuối năm 2024 là giai đoạn quan trọng của Thiso. Đây là thời điểm xây dựng nền tảng cho chiến lược phát triển 5 năm với mục tiêu định hình lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đáp ứng các xu thế mới của thế giới ”, vị lãnh đạo cho hay.
FPT IS thành lập liên doanh về AI, Cloud, Security với ông lớn công nghệ tại Indonesia
FPT IS và Metrodata Electronics, công ty công nghệ thông tin hàng đầu tại Indonesia, vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập liên doanh PT FPT Metrodata Indonesia (FMI). Hai bên cùng tập trung phát triển các giải pháp an ninh mạng, AI, Cloud hướng tới mục tiêu giúp Indonesia trở thành quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi số và AI tại khu vực Đông Nam Á.
Liên doanh PT FPT Metrodata Indonesia (FMI) sẽ được FPT IS và Metrodata Electronics thành lập. |
Trong đó, Metrodata là công ty công nghệ thông tin hàng đầu ở Indonesia, cung cấp nhiều giải pháp kỹ thuật số, bao gồm phân phối công nghệ thông tin, dịch vụ được quản lý và tích hợp hệ thống.
Doanh nghiệp hiện diện trên 330 thành phố ở Indonesia và có hơn 6.000 kênh đối tác với hơn 100 thương hiệu sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin đẳng cấp thế giới. Với việc tập trung vào đổi mới và công nghệ, Metrodata đã khẳng định thế là đơn vị chủ chốt trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ tại Indonesia.
Theo thỏa thuận hợp tác, FPT IS và Metrodata Electronics thành lập liên doanh PT FPT Metrodata Indonesia (FMI) nhằm nắm bắt các cơ hội mới, cùng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) các dịch vụ công nghệ tiên tiến nhất.
Liên doanh PT FPT Metrodata Indonesia (FMI) sẽ tập trung vào các giải pháp an ninh mạng - lĩnh vực công nghệ trọng điểm với nền kinh tế số của Indonesia. Sau đó, đơn vị sẽ mở rộng sang cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) và AI, phát triển các giải pháp SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) và phát triển phần mềm theo nhu cầu của thị trường Indonesia. Mục tiêu của liên doanh là đạt doanh thu 100 triệu USD trong vòng 5 năm tới.
“Chiến lược phát triển của FPT là AI - Bán - Xe - Số - Xanh. Theo đó, FPT sẽ đầu tư toàn bộ nguồn lực để bước vào cuộc ‘đặt cược’ trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về AI. Hợp tác cùng Metrodata và thành lập FMI sẽ là bước đi quan trọng để hiện thực mục tiêu trên, vươn lên dẫn đầu thị trường trong cung cấp giải pháp AI cũng như an ninh mạng, hiện thực khát vọng đưa công nghệ kiến tạo giá trị đột phá cho doanh nghiệp, người dân hai nước và trên toàn thế giới”, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS nói.
Bách hóa Xanh lạc quan, Dược phẩm An Khang ảm đạm
Báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh vừa công bố của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) thể hiện bức tranh lạc quan của chuỗi siêu thị mini Bách hóa Xanh, nhưng cùng với đó là xu hướng ảm đạm của chuỗi dược phẩm An Khang.
Tháng 8, hệ thống Bách hóa Xanh đã có 1.721 cửa hàng. |
Tháng 8/2024, Bách hóa Xanh đạt doanh thu hơn 3,6 ngàn tỷ đồng, tăng đến 25% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này là kết quả của xu hướng cải thiện doanh thu cửa hàng, diễn ra từ năm 2023 sang đến 2024.
Doanh thu bình quân của Bách hóa Xanh duy trì 2,1 tỷ đồng/cửa hàng từ tháng 6/2024 đến nay, trong bối cảnh chuỗi này rục rịch triển khai mở mới điểm bán trở lại.
Riêng tháng 8, báo cáo MWG cho biết có thêm 17 cửa hàng được ghi nhận vào hệ thống Bách hóa Xanh, nâng số lượng cửa hàng toàn chuỗi lên 1.721.
Trong khi đó, tổng doanh thu tháng 8 của Thế giới Di động và Điện máy Xanh đạt 7,5 ngàn tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ và tăng 5% so với tháng liền trước.
Ngành hàng điện thoại và máy lạnh là động lực tăng trưởng của tháng vừa qua. Thêm vào đó, phía MWG cho biết kết quả kinh doanh ngành hàng máy tính xách tay đạt mức tăng 2 chữ số trong mùa tựu trường.
Lũy kế 8 tháng, 2 chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh đạt tổng doanh thu 58,9 ngàn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, kênh online đóng góp tỷ trọng 11% tổng doanh thu.
Một điểm cần chú ý trong hoạt động của MWG là xu hướng đóng cửa hàng đối với chuỗi dược phẩm An Khang đang diễn ra khá nhanh. Tính riêng tháng 8, số lượng cửa hàng đã đóng là 51, nếu tính trong giai đoạn từ tháng 5-8 thì có đến 200 cửa hàng ngưng hoạt động.
Vinaship chi hơn 300 tỷ mua thêm tàu
Đại hội cổ đông bất thường CTCP Vận tải Biển Vinaship (Vinaship) đã thông qua kế hoạch chi hơn 300 tỷ đồng mua tàu đã qua sử dụng và chấp thuận cho CTCP Container Việt Nam (Viconship) mua 37,55% vốn mà không cần chào mua công khai.
Đại hội đồng cổ đông bất thường Vinaship đã thông qua kế hoạch chi hơn 300 tỷ đồng mua tàu đã qua sử dụng. |
Vinaship dự định mua tàu chở hàng khô có trọng tải 28.000 - 32.000 DWT, loại đã qua sử dụng được đóng từ năm 2009 - 2013, tương đương độ tuổi dưới 15, nơi đóng tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Vinaship dự kiến thực hiện trong thời gian từ thời điểm được phê duyệt cho đến kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12 triệu USD, tương đương gần 306 tỷ đồng, trong đó giá mua tàu gần 304 tỷ đồng và lệ phí trước bạ, chi phí tiếp nhận tàu gần 2 tỷ đồng.
VNA lên kế hoạch sử dụng 50% từ vốn tự có và 50% vốn vay từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - CN Hồng Bàng, lãi suất 9%/năm, thời hạn vay 7 năm với gốc, lãi được thanh toán mỗi 3 tháng.
Sau khi tàu không còn khả năng kinh doanh sau hơn 15 năm khai thác liên tục (tuổi trên 20), Vinaship ước tính mức giá giải bán gần 90 tỷ đồng.
Có 3 phương án sử dụng tàu mới, bao gồm (1) khai thác tàu chuyến cho tuyến biển quốc tế Việt Nam - Indonesia - Việt Nam, chở các mặt hàng gạo, than; hoặc (2) khai thác tàu chuyến cho tuyến biển quốc tế Việt Nam - Indonesia - China - Philippines - Việt Nam, chở các mặt hàng gạo, quặng nikel, phân bón, xi măng bịch; hoặc (3) cho thuê định hạng.
Theo tính toán của Vinaship, phương án 3 có thể mang về hiệu quả cao nhất với tỷ suất nội hoàn (IRR) với 17,31%, tỷ số lợi ích – chi phí (BCR) 1,53 và hoàn vốn trong 8 năm 5 tháng.
Hiện tại, đội tàu của Vinaship gồm 5 chiếc với tổng tải trọng là 95.861 DWT, độ tuổi bình quân hơn 20 tuổi, trong đó 3 tàu có trọng tải từ 22.000 – 27.000 DWT (28 tuổi), 1 tàu trọng tải 13.245 DWT (16 tuổi) và 1 tàu trọng tải 6.500 DWT (21 tuổi).